Sự trở lại của nhiều “ông lớn” trong nửa đầu năm 2024 sẽ tạo đà cho thị trường bất động sản sôi động hơn vào giai đoạn cuối năm. Theo nhận định của giới chuyên gia, gam màu ấm nóng sẽ được thay thế cho gam màu ảm đạm trong thời gian tới.
Sự trở lại của nhiều “ông lớn”
Novaland là một trong những “ông lớn” không thể không nhắc đến của thị trường bất động sản ở lĩnh vực nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng. Dù vậy, trong 2 năm vừa qua, khi thị trường này có nhiều biến động và rơi vào suy giảm, hoạt động kinh doanh của Novaland cũng chao đảo không kém.
Trong bối cảnh dòng vốn tín dụng thắt chặt, pháp lý bất động sản có nhiều vướng mắc, loạt dự án nghìn tỷ của Novaland đã rơi vào cảnh “đứng bánh”. Thực tế này khiến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp liên tục sụt giảm. Riêng 2 quý đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Novaland ghi nhận lỗ kỷ lục 1.094 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, kết thúc quý I, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, sang đến quý II, với việc khởi động thi công hoàn thiện và bàn giao các sản phẩm tại nhiều dự án như Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa – Vũng Tàu), Palm City, Lakeview City (TP.HCM); đồng thời trao sổ hồng cho cư dân tại hai dự án khác ở TP.HCM là Victoria Village (TP. Thủ Đức) và Sunrise Riverside (Quận 7)… Novaland đã từng bước thoát khỏi “vũng bùn lầy”.
Báo cáo tài chính quý II/2024 của doanh nghiệp cho biết, doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 945,5 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với khoản lỗ 600 tỷ đồng trong quý I đầu năm.
Đây được xem là những kết quả bước đầu của Novaland sau 18 tháng tái cấu trúc. Doanh nghiệp cũng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện và bàn giao tổng cộng 2.600 sản phẩm trong nửa cuối năm nay.
Một “ông lớn” khác trên thị trường là Tập đoàn Hưng Thịnh, hồi cuối tháng 7 vừa qua đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới. Doanh nghiệp cho biết, đây là một bước tiến trong lộ trình tái cấu trúc mạnh mẽ, toàn diện; đồng thời là cam kết vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động và quyết tâm hoàn thiện các dự án.
Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa tiết lộ kế hoạch nào liên quan đến các dự án cụ thể, song cách đây vài tháng Hưng Thịnh đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa cho thực hiện 2 dự án với gần 1.000ha tại đây, gồm dự án khu đô thị mới tại xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang quy mô khoảng 368ha và dự án khu đô thị mới thuộc Khu kinh tế Vân Phong quy mô khoảng 575ha. Điều này cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh hoàn thiện các dự án dở dang, Hưng Thịnh đang rục rịch kế hoạch mở rộng bộ sưu tập dự án mới, khẳng định sự trở lại của doanh nghiệp sau thời dài im ắng.
Cũng là một doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, song nhờ nỗ lực tái cơ cấu hoạt động đầu tư, xử lý dứt điểm nợ trái phiếu, Bất động sản Phát Đạt thời gian gần đây đang xuất hiện trở lại mạnh mẽ hơn.
Theo đó, các dự án quan trọng của doanh nghiệp gồm dự án Cadia Quy Nhơn (Bình Định), Bình Dương NTMK (Bình Dương), Bắc Hà Thanh (Bình Định), Serenity Phước Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) đều ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, dự kiến đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp trong năm 2024.
Nổi bật là dự án Khu đô thị Bắc Hà Thanh. Mới đây, dự án này đã được UBND tỉnh Bình Định giao gần 15,8ha đất đợt 3 để Phát Đạt tiếp tục thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cho biết, việc bàn giao đất tại dự án Khu đô thị Bắc Hà Thanh diễn ra thuận lợi nhờ công ty chú trọng việc hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Cũng theo Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt, dự án Khu đô thị Bắc Hà Thanh dự kiến sẽ hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và đủ điều kiện mở bán từ tháng 9/2024. Dự án này được kỳ vọng sẽ đạt tỷ lệ hấp thụ cao và đem lại dòng tiền dồi dào cho công ty trong thời gian tới.
Có thể thấy, sau thời gian dài tái cấu trúc, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phần nào cải thiện. Với việc tái khởi động các dự án cũ hay phát triển những dự án mới, nhiều doanh nghiệp đang từng bước trở lại thị trường. Dù rằng, tỷ lệ này chưa nhiều nhưng đây là tín hiệu tích cực giúp gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng đối với thị trường bất động sản và tạo động lực cho các doanh nghiệp khác nỗ lực tái cấu trúc nhằm cải thiện sức khoẻ. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp tạo đà bứt phá cho cuộc đua cuối năm.
Sẵn sàng cho cuộc đua cuối năm
Nhận định thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024, giới chuyên gia cho rằng, gam màu ấm nóng sẽ bắt đầu xuất hiện, thay thế cho gam màu ảm đạm, trầm lắng của thị trường suốt thời gian qua.
Sự cải thiện này không chỉ đến từ việc quay trở lại của nhiều doanh nghiệp bất động sản mà còn nhờ lực đẩy từ các chính sách pháp lý.
Theo đó, 4 luật liên quan trực tiếp đến thị trường gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng được cho phép có hiệu lực trước 5 tháng so với quy định sẽ giúp các chính sách mới nhanh chóng được áp dụng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp được tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại. Phía lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng có cơ chế rõ ràng để áp dụng thi hành.
Nói với Reatimes, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, thị trường bất động sản đang hội tụ nhiều lực đẩy để có thể kỳ vọng bứt phá trong giai đoạn cuối năm. Đó là thể chế, chính sách hoàn thiện; lãi suất được đảm bảo duy trì ở mức thấp cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận; niềm tin trên thị trường có sự hồi phục khi cả chủ đầu tư và khách hàng ở thực đang dần quay lại thị trường.
Ông Phong cho rằng, không tự nhiên mà nhiều doanh nghiệp chọn thời điểm này để khởi động các dự án cũ, hay khởi công những dự án mới. Họ phải nhìn thấy được những tia sáng của thị trường mới dám tiếp tục kế hoạch đầu tư. Do vậy, nửa cuối năm 2024, bức tranh thị trường bất động sản chắc chắn sẽ sáng hơn nửa đầu năm và giai đoạn 2022 – 2023.
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng, sau nhiều va đập trong thời gian qua, sức khỏe của các doanh nghiệp đa phần yếu đi nhưng cũng đồng thời giúp họ rút ra được nhiều bài học xương máu về cơ cấu dự án, cơ cấu sản phẩm, cân đối dòng tiền… Và những bài học đó, chính là sức đề kháng để doanh nghiệp tự tin khi bước vào chu kỳ phát triển mới của thị trường.
“Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có định hướng tập trung phát triển các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực trong thời gian tới. Việc mở rộng quỹ đất cũng được các doanh nghiệp lựa chọn kỹ lưỡng, hướng đến những quỹ đất sạch, hoàn thiện pháp lý. Đối với huy động vốn, bài học về phát hành trái phiếu một cách tràn lan đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận sâu sắc, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng được các doanh nghiệp cân nhắc cẩn thận. Đây chính là kết quả xương máu được đúc rút ra sau hơn 2 năm chống chọi với ‘bão lớn’ của các doanh nghiệp bất động sản”, ông Phong nhìn nhận.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án. Tuy nhiên, quỹ đất mà các doanh nghiệp hướng đến là đất có pháp lý hoàn thiện, tính thanh khoản đảm bảo.
Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp đang rất nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để làm sao các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và có thể đưa vào khai thác trong các năm tới. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và nghỉ dưỡng, họ cũng hướng đến các quỹ đất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, với việc hướng đến phát triển một cách bền vững, an toàn của nhiều doanh nghiệp bất động sản, thị trường càng có cơ sở để kỳ vọng sẽ nhanh chóng hồi phục và đi vào ổn định trong thời gian tới./.
Theo Reatimes.vn