Theo các chuyên gia, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Việt Nam duy trì ở mức tốt. Chính phủ có chính sách tương đối quyết liệt nhằm đảm bảo đủ đất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp - “ngôi sao sáng” thu hút đầu tư

 Các khu công nghiệp tại Việt Nam đã thu hút khoảng 15,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay (tăng 13,1% so với cùng kỳ). Ảnh tư liệu

 

Duy trì mức tăng trưởng tích cực và bền vững

Số liệu tổng hợp của ACBS Research cho thấy, đến cuối tháng 6/2024, các khu công nghiệp tại Việt Nam đã thu hút khoảng 15,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay (tăng 13,1% so với cùng kỳ). Trong số này, lượng vốn các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư đã giải ngân đạt trên 10,8 tỷ USD.

Tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như: Bắc Giang, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… tốc độ thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp đều có mức tăng mạnh. Chẳng hạn, tại Đồng Nai, từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 7/2024, các khu công nghiệp đã thu hút 27 lượt dự án FDI tăng vốn với 77 triệu USD và 15 dự án đầu tư mới với mức vốn đăng ký 108 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, địa phương này đã thu hút 55 dự án FDI đăng ký mới (với giá trị vốn 627 triệu USD) và 67 dự án tăng vốn (với giá trị vốn 392 triệu USD), vượt 146% so với kế hoạch đặt ra.

Tại Bình Dương, đến cuối tháng 7, lượng vốn FDI trong các khu công nghiệp đã thu hút đạt mức 825 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, tỉnh này có hơn 4.300 dự án FDI từ 65 quốc gia đầu tư vào các khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 41 tỷ USD. Nhiều khả năng, cả năm 2024, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Bình Dương sẽ thu hút khoảng 1,2 – 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài để phát triển các dự án sản xuất, chế biến xuất khẩu.

Công bố của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, có tới 70,4% tổng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.

Tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao

Chia sẻ về vấn đề này, ông Thomas Rooney – Quản lý Cấp cao, Bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định: “Nhu cầu đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn đã kéo theo sự gia tăng trong việc tìm kiếm nhà xưởng, KCN đáp ứng được tốt các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn. Một số yêu cầu cơ bản từ các doanh nghiệp bao gồm: Nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả, từ đó đặt ra yêu cầu về nâng cấp chất lượng và hệ thống nhà xưởng đối với các chủ đầu tư tại Việt Nam”.

Khu vực kinh tế phía Bắc được kỳ vọng tiếp tục là điểm nóng của BĐS công nghiệp trước làn sóng đầu tư bán dẫn mạnh mẽ hiện nay. Theo ông Thomas, trong khi khách thuê BĐS công nghiệp tại các tỉnh phía Nam thuộc các ngành chế biến sản phẩm từ cao su, nhựa, thực phẩm, nước giải khát, thì tại phía Bắc, vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, điện tử hay sản phẩm điện. Do đó, khi làn sóng đầu tư về bán dẫn phát triển, sẽ tạo thêm sức bật về phát triển đối với BĐS công nghiệp phía Bắc.

Để đón dòng vốn này, các địa phương, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng và nhân lực để có thể đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu khắt khe của ngành công nghiệp đặc thù này.

Theo ông Thomas, Chính phủ và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để phát huy những tiềm năng hiện có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn và BĐS công nghiệp tại Việt Nam. Với những nỗ lực này, Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trên thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam