Các cổ đông lớn liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu hay nhiều công ty bất động sản đang phải liên tục bổ sung tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu trong bối cảnh thị giá cổ phiếu giảm sâu, chung với áp lực bán giải chấp của thị trường.
CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (mã CK: PDR) vừa công bố quyết định của HĐQT thông qua việc sử dụng tài sản là quyền sở hữu và quyền khai thác tài sản thuộc Dự án chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty Cổ phần Đầu Tư Thương Mại Dịch Vụ AKYN làm chủ đầu tư, là Bên có liên quan của ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT và Ông Nguyễn Tấn Danh – Phó Chủ tịch HĐQT, để bổ sung tài sản bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm của Công ty Phát Đạt liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu của năm 2021 và năm 2022.
Trước đó, Phát Đạt cũng đã dùng quyền sở hữu tài sản (bao gồm toàn bộ cổ phần và quyền sử dụng đất) tại dự án Khu du lịch Bến Thành – Long Hải (dự án Tropicana, Bà Rịa- Vũng Tàu) với diện tích 126.336,5m2 do CTCP Bến Thành Long Hải làm chủ đầu tư để bổ sung tài sản đảm bảo cho công ty.
Trên thị trường, chưa hết phiên 15.11, cổ phiếu PDR của Phát Đạt đã giảm sàn tiếp về mức 22.700 đồng/cổ phiếu với hơn 84 triệu cổ phiếu dư sàn. Đây đã là phiên sàn thứ 8 liên tiếp và là phiên giảm thứ 20 liên tiếp của PDR.
Cổ phiếu PDR đã giảm gần một nửa chỉ từ đầu tháng trước áp lực giải chấp và giảm 65% so với mức đỉnh đầu năm, về mức thấp nhất trong vòng gần 23 tháng kể từ cuối năm 2020. Thị giá hiện tại đã rơi về mức thấp nhất trong vòng 20 tháng kể từ tháng 3.2021 và đã giảm gần phân nửa giá trị so với đỉnh lịch sử một năm về trước.
Hiện mã chứng khoán này cũng trong trạng thái mất thanh khoản, điều này khiến vốn hoá Công ty theo đó đã “bay hơi” 1,3 tỉ USD tính đến hiện tại. Tình trạng này khiến lãnh đạo và cổ đông của Phát Đạt liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, trong khi nhiều công ty chứng khoán loại cổ phiếu PDR ra khỏi cổ phiếu giao dịch ký quỹ, hay giảm tỷ lệ cho vay margin với mã này.
Thời gian gần đây, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) với mã cổ phiếu DIG liên tục xuất hiện các giao dịch của người nội bộ và cổ đông lớn với khối lượng lớn, chủ yếu đến từ các hoạt động giải chấp của công ty chứng khoán, bên cạnh các giao dịch với mục đích tăng hoặc giảm sở hữu đơn thuần.
Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), chỉ trong khoảng một tháng trở lại đây, gia đình Chủ tịch HĐQT của DIC Corp ông Nguyễn Thiện Tuấn và cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân đã bán ròng tổng cộng gần 39 triệu cổ phiếu DIG, tương đường 6,4% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của DIC Corp.
Lượng lớn cổ phiếu DIG bị bán ra ra thị trường từ người nội bộ và cổ đông lớn trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục giảm mạnh thời gian qua. Sau 7 phiên giảm sàn liên tiếp, DIG đã rơi xuống mức 10.100 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ đầu tháng 10.2020. So với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 1 năm nay, thị giá DIG đã “bốc hơi” gần 90%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay hơn 2,2 tỉ USD sau 10 tháng.
Đà giảm của cổ phiếu sau đó đã khiến cổ đông cũng không còn “mặn mà” với những kế hoạch của công ty. DIC Corp thậm chí không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 do không đủ số lượng cổ đông tham dự. Kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu cũng phải điều chỉnh giảm giá chào bán một nửa so với phương án ban đầu được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 diễn ra ngày 12.10, Chủ tịch HĐQT DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn tỏ ra bất ngờ khi giá cổ phiếu DIG liên tục giảm trong thời gian qua. Ông còn khẳng định nếu giá cổ phiếu DIG sau ngày 30.10 vẫn dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu. Dù vậy, khi còn chưa kịp thực hiện lời hứa đăng ký mua vào, ông Tuấn đã bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu.
Nguồn: Báo Lao Động