Những tháng cuối năm 2023, bất động sản Phát Đạt còn gần 1.000 tỉ đồng trái phiếu sẽ phải tất toán. Tại ngày 30.6.2023, tiền mặt PDR còn chưa đến 40 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng khoảng 214 tỉ đồng.
Áp lực từ 1.000 tỉ đồng nợ trái phiếu
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30.6.2023. Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và cung cấp dịch vụ PDR đạt 195 tỉ đồng, giảm 87% so với cùng kì. Đồng thời, báo lãi sau thuế gần 298 tỉ đồng, giảm 57%.
Giải trình cho biến động về kết quả kinh doanh, ông Bùi Quang Anh Vũ – Tổng Giám đốc PDR – thông tin, lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp giảm do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản nên việc đầu tư kinh doanh của Công ty vào các dự án không được thuận lợi.
Thế nhưng, nhìn bức tranh tài chính của doanh nghiệp có thể thấy, bên cạnh kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm, Phát Đạt đang chịu áp lực không nhỏ với khoản nợ của mình từ giờ đến cuối năm.
Cụ thể, tại ngày 30.6.2023, tổng nợ phải trả PDR còn 12.111 tỉ đồng, giảm gần 1.500 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính công ty khoảng 3.889 tỉ đồng, bao gồm 2.132 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.757 tỉ đồng nợ vay dài hạn.
Thuyết minh báo cáo tài chính PDR cho thấy, trong tổng số 2.132 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn, công ty còn đến 993 tỉ đồng dư nợ trái phiếu (thanh toán trong khoảng tháng 9 – 12.2023).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 30.6.2023, tiền mặt tại công ty chưa đến 40 triệu đồng, tiền gửi tại ngân hàng còn 214 tỉ đồng, thế nhưng nhóm công ty đã sử dụng một phần tiền gửi trên tài khoản thanh toán tại Vietinbank để đảm bảo cho khoản vay tại chính ngân hàng này.
Ngoài ra, PDR cũng đang có hơn 15 tỉ đồng tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn gốc từ 6 tháng đến 12 tháng, hưởng lãi suất dao động từ 7,9% đến 8,6%/năm và khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc là 24 tháng, hưởng lãi suất 5,59%/năm. Được biết, khoản tiền gửi này được dùng làm tài sản đảm bảo cho các chứng thư bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ của nhóm công ty với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để đảm bảo thực hiện dự án Astral City.
Bóng dáng Danh Khôi trong hàng nghìn tỉ đồng phải thu của Phát Đạt
Thuyết minh báo cáo tài chính PDR cho thấy, kết thúc nửa đầu năm 2023, phải thu ngắn hạn của khách hàng còn 2.217 tỉ đồng.
Cụ thể, PDR có khoản phải thu ngắn hạn tại Công ty TNHH Bất Động sản IDK là 308 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS NTR 306 tỉ đồng, Công ty Cổ phần BĐS CDK 251 tỉ đồng, Công ty Cổ phần BĐS BDK 230 tỉ đồng, Công ty TNHH BĐS EDK 200 tỉ đồng, Công ty TNHH BĐS HDK 154,4 tỉ đồng, Công ty TNHH BĐS GDK 128 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings 125 tỉ đồng, Công ty TNHH BĐS Gemini 117 tỉ đồng, Công ty TNHH BĐS Lyra 112,5 tỉ đồng…
Đáng nói, đa số các doanh nghiệp kể trên đều có liên quan đến đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) của đại gia Lê Thống Nhất.
Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings và Tập đoàn Danh Khôi cùng chung Chủ tịch HĐQT Lê Thống Nhất và cùng thuộc sở hữu của cá nhân này. Đối với các doanh nghiệp còn lại bao gồm: BĐS ADK, BDK, CDK, EDK, GDK, HDK, NTR… có cùng thành viên quản lý chủ chốt với Tập đoàn Danh Khôi (theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Danh Khôi).
Đáng nói rằng chính Danh Khôi cũng đang phải “vật lộn” với những khó khăn của mình, khi báo cáo tài chính quý II/2023 của doanh nghiệp này cho biết NRC đang lỗ sau thuế gần 21 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Theo báo cáo tài chính PDR, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản công ty đạt 20.632 tỉ đồng, giảm hơn 2.000 tỉ đồng sau 6 tháng. Đáng chú ý khi hàng tồn kho doanh nghiệp xấp xỉ 12.171 tỉ đồng, chiếm đến 59% tổng tài sản công ty.
Hàng tồn kho PDR đa số là bất động sản, tập trung phần lớn tại dự án The EverRich 2 (3.598 tỉ đồng), Dự án cao ốc Bình Dương (2.360 tỉ đồng), dự án Tropicana Bến Thành Long Hải (1.995 tỉ đồng), Dự án Serenity – Phước hải (1.521 tỉ đồng)…
Nguồn: Báo Lao Động