Sau khi chuyển dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng sang hình thức đầu tư công, UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cho các sở, ngành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án. 

Chuyển biến pháp lý mới tại dự án

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ban hành Quyết định về việc giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) số 8 đường Võ Văn Tần, quận 3.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa và Thể thao và cơ quan phối hợp là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thực hiện nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, nguồn vốn thực hiện từ ngân sách thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, các sở ngành và đơn vị liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và thực hiện các thủ tục tiếp theo để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chịu trách nhiệm về sự phù hợp, cơ sở pháp lý của hồ sơ trình giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; đồng thời, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án theo đúng quy định hiện hành.

Các sở chuyên ngành, các cơ quan và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tham gia ý kiến chuyên môn trong quá trình lập, trình, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định.

tp-hcm-yeu-cau-lap-bao-cao-nghien-cuu-du-an-nha-thi-dau-phan-dinh-phung-2-1717649302.jpg
Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng trước đây do Liên doanh Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư.

Trước đó, ngày 26/4/2024, UBND TP.HCM thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc dừng đầu tư dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT), chuyển thành phương thức đầu tư công.

UBND TP.HCM giao Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các chi phí hợp lý của nhà đầu tư để làm cơ sở thương lượng theo hướng xử lý dứt điểm, hài hoà lợi ích; phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công dự án trước ngày 30/4/2025 để là một trong những công trình tiêu biểu của TP.HCM chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Tọa lạc trên khu “đất vàng” của Quận 3 với 4 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Pasteur – Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng là nơi đào tạo, tập luyện và tổ chức thi đấu một số bộ môn thể thao của TP.HCM.

Nhà thi đấu cũ được xây dựng năm 1977 và đi vào hoạt động từ năm 1985. Dù đã nhiều lần sửa chữa nhưng đến nay Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã lộ vẻ xuống cấp.

Đến năm 2008, dự án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ và triển khai từ tháng 3/2010, với tổng mức đầu tư khái toán ban đầu khoảng 988 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2013, UBND TP.HCM chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình, tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên gần 1.353 tỷ đồng.

tp-hcm-yeu-cau-lap-bao-cao-nghien-cuu-du-an-nha-thi-dau-phan-dinh-phung-1717649302.jpeg
Phối cảnh dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Nguồn: PDR

Để thanh toán chi phí xây dựng dự án, UBND TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bán chỉ định và giao hai khu đất tại trung tâm quận 1, TP.HCM lần lượt tại số 257 Trần Hưng Đạo và số 3 –3bis Phan Văn Đạt.

Tuy nhiên, đến năm 2016, UBND TP.HCM phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thì tổng vốn đầu tư dự án lên đến 1.954 tỷ đồng (tăng gấp đôi) nên quỹ đất đối ứng không đủ thanh toán.

Sau đó UBND TP.HCM đưa vào quỹ đất thanh toán thêm khu đất 181 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và khu đất số 72/2B đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức).

Tuy nhiên ngoài khu đất 257 Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng phê duyệt để thanh toán cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, các khu đất còn lại đều cần phải có ý kiến của Ban chỉ đạo 167 về sắp xếp lại nhà, đất công.

Phát Đạt đã ‘rót’ bao nhiêu tiền vào dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Thời điểm được chấp thuận đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT, nhà đầu tư dự án là liên danh giữa Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt, MCK: PDR) và Tổng Công ty Cổ phần Đền bù Giải toả.

Đầu năm 2017, nhà thi đấu Phan Đình Phùng được tháo dỡ. Đến tháng 9/2019, liên danh nhà đầu tư dự án và UBND TP.HCM đã ký biên bản hoàn tất đàm phán, ký tắt thoả thuận đầu tư và dự thảo Hợp đồng BT. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến năm 2023, các thủ tục pháp lý của dự án không tiến triển, khu đất dự án vẫn bỏ trống nhiều năm.

Tuy dự án chưa có bất kỳ hoạt động xây dựng nào nhưng tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Phát Đạt đã hạch toán 77,1 tỷ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Ngoài ra, Phát Đạt cũng báo cáo đã đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư xây dựng công trình PĐP (Công ty Công trình PĐP) số tiền là gần 17,3 tỷ đồng.

Công ty Công trình PĐP được thành lập ngày 3/7/2018, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Đây là công ty chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Kết thúc quý I/2024, Phát Đạt đã góp gần 17,5 tỷ đồng trên 147 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty Công trình PĐP. Trong kỳ, Phát Đạt ghi nhận giao dịch góp vốn 771 triệu đồng và khoản cam kết góp vốn trị giá gần 130 tỷ đồng tại Công ty Công trình PĐP.

Nguồn: Vietstock

Đánh giá bài viết