[Tổng thuật] Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024
Sáng nay (28/2), tại UBCKNN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024. Tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãnh đạo BIDV, Vingroup,… đã có những tham luận đáng chú ý.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc (Nguồn: baochinhphu) |
Nằm trong Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023, hôm nay (ngày 28/2), Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các khối Bộ ngành, cơ quan/tổ chức quốc tế, các thành viên (bao gồm cả doanh nghiệp) trên thị trường chứng khoán.
Các đại biểu tham dự Hội nghị bao gồm:
– Khối Bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
– Khối cơ quan ngoại giao/tổ chức quốc tế: Đại sứ quán Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB)
– Các thành viên trên thị trường: Ngân hàng MB (MBB), Ngân hàng BIDV (BID), FPT, Cơ điện lạnh (REE), Bất động sản Phát Đạt (PDR), Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF); Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam; Chứng khoán TP. HCM (HCM)
Nhiều đơn vị trong số này sẽ trình bày các tham luận đáng chú ý.
Theo chương trình Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương sẽ trình bày Báo cáo “Chứng khoán Việt Nam – nỗ lực kiên trì vì sự phát triển bền vững”.
Mở đầu Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương trình bày báo cáo tóm tắt tình hình TTCK Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024.
Tổng quan thị trường chứng khoán trong năm 2023
Trong năm 2023, TTCK tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.
Thứ hai, diễn biến TTCK phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số TTCK Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK. Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng (CTĐC) quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 CTCK đang hoạt động có tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%, 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với Tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.
Thứ ba, ngành chứng khoán đã quyết liệt đề ra và triển khai các giải pháp phát triển TTCK. UBCKNN đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, tạo định hướng cho sự phát triển trong trung và dài hạn của TTCK. UBCKNN tích cực tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ cho thu hút đầu tư và sự phát triển TTCK như: Ký kết Ý định thư hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán Nasdaq trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2023; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Luxembourg, Los Angeles vào tháng 11/2023, Hội nghị đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức xếp hạng thị trường tại Hong Kong (Trung Quốc); làm việc với các cơ quan, tổ chức, thành viên thị trường tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện mục tiêu nâng hạng TTCK của Việt Nam.
Thứ tư, ngành chứng khoán đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo TTCK vận hành thông suốt, an toàn. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn cần được nâng cao hơn nữa, phát sinh các vụ việc vi phạm trên thị trường, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các Sở Giao dịch chứng khoán trong tăng cường giám sát đối với thị trường, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát; tổ chức thanh kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chứng khoán, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường. Nhìn chung, trong năm 2023, với bối cảnh môi trường kinh tế quốc tế và trong nước, nội tại của TTCK còn gặp nhiều nhiều khó khăn, thách thức; TTCK cũng chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế, nhưng với sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành và đơn vị liên quan, sự quyết liệt trong quản lý điều hành và giám sát của UBCKNN, TTCK Việt Nam năm 2023 mặc dù còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng đã chứng kiến sự phục hồi tốt, đạt được nhiều kết quả tích cực, làm tốt vai trò kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngành chứng khoán năm 2024
Năm 2024, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối diện với các khó khăn, diễn biến phức tạp khi tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn yếu trong ngắn hạn. Điểm sáng là dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục ở mức cao hơn các khu vực khác. Trong nước, ngay từ những ngày đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, xác định năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Đối với TTCK, năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.
Do vậy, ngành chứng khoán dự kiến triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để làm tốt các công tác sau:
Thứ nhất, quyết liệt triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Xây dựng và tổ chức triển khai các Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, UBCKNN để thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Thứ hai, quản lý điều hành TTCK đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.
Thứ tư, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường, khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và gắn chào bán ra công chúng lần đầu với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán; nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Thứ năm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới công chúng đầu tư để nâng cao hiểu biết pháp luật, hoạt động của TTCK, góp phần giúp công chúng đầu tư có kiến thức, thông tin phòng ngừa các hoạt động gian lận trên TTCK và trên không gian mạng. Kính thưa các Quý vị đại biểu, Hội nghị rất vinh dự được nghe và tiếp thu ý kiến chỉ đạo quý báu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về định hướng, nhiệm vụ của ngành Chứng khoán trong năm 2024, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Hội nghị cũng rất hoan nghênh và xin ghi nhận ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các ý kiến trao đổi, đóng góp của đại diện các thành viên thị trường từ công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, cộng đồng nhà đầu tư để hoàn thiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của ngành để từ đó giúp ngành Chứng khoán đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của ngành, của TTCK.
Tiếp đến là phần tham luận của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Thanh Hà:
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà: Sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thể hiện qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững và hội nhập, có cơ cấu hợp lý để các bộ phận thị trường trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, công điện, chỉ thị để chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện theo thẩm quyền đặc biệt là xử lý nhanh các vướng mắc của lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, trong công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ, kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành có liên quan trong phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; qua đó, hỗ trợ sự phát triển của TTCK, tiến tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sự phát triển của TTCK
Năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị. Bên cạnh đó, ngân hàng Trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, đồng USD quốc tế biến động mạnh, đồng tiền nhiều nước mất giá cũng gây tác động tiêu đối với kinh tế trong nước. Các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp, các doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng sụt giảm.
Để ứng phó với những biến động nhanh của tình hình thế giới và trong nước, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 đạt 3,25% thấp hơn mục tiêu 4,5% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, hỗ trợ sự phát triển của TTCK, cụ thể như sau:
Điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế:
NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, cụ thể: (i) Liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; (ii) Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay…
Đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất trong nước đã có sự điều chỉnh giảm sâu (lãi suất tiền gửi và cho vay phát sinh mới giảm hơn 2,5%/năm; lãi suất cho vay dư nợ cuối kỳ báo cáo giảm 1,1%/năm). Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác NHNN dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ:
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước cải thiện, thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thông suốt, NHNN mua được ngoại tệ từ các TCTD để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 6/2023 đến đầu tháng 11/2023, VND chịu áp lực mất giá do đồng USD tăng mạnh trở lại và chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD chuyển sang âm trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất và Việt Nam liên tục giảm lãi suất. Trước tình hình đó, NHNN điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, đồng thời cũng triển khai các giải pháp hạn chế biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, hướng tới mục tiêu tổng thể ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, tỷ giá VND diễn biến tương đối ổn định so với các đồng tiền trong khu vực, thanh khoản thông suốt. Kết thúc năm 2023, VND mất giá khoảng 2,89% so với USD, phù hợp với xu hướng chung các đồng tiền khác trong khu vực.
Điều hành tín dụng chung:
Ngay từ đầu năm, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD và chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đến giai đoạn cuối năm 2023, để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống TCTD.
Đến 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Duy trì thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, ổn định thị trường tiền tệ:
Trong năm 2023, thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, thị trường tiền tệ ổn định, hoạt động thông suốt, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp vừa góp phần thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ trong năm 2023 với khối lượng 298.476 tỷ đồng, đạt gần 100% kế hoạch phát hành đã đề ra; kỳ hạn bình quân 12,58 năm; lãi suất bình quân đạt 3,21%/năm, tiếp tục giảm 0,27%/năm so với năm 2022 và hiện ở mức rất thấp (thấp hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu Chính phủ ở các quốc gia phát triển như Mỹ), giảm áp lực về chi phí lãi vay cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, TCTD vừa cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, vừa là những nhà đầu tư tích cực trên thị trường trái phiếu Chính phủ (doanh số mua trái phiếu Chính phủ của các TCTD năm 2023 chiếm khoảng 44% tổng lượng phát hành, các TCTD nắm giữ gần 40% danh mục nợ trái phiếu Chính phủ tính đến cuối năm 2023); qua đó, tạo nguồn lực để hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Về phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, NHNN tiếp tục khuyến khích các ngân hàng mua trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được Chính phủ bảo lãnh. Năm 2023, NHCSXH đã phát hành 24.351 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (trong đó các TCTD mua 95,1% lượng phát hành), đạt 100% hạn mức phát hành được giao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH ổn định nguồn vốn nhằm đẩy mạnh tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong thực tiễn điều hành, NHNN và Bộ Tài chính cũng thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, TTCK, trái phiếu… để thống nhất các thông điệp truyền thông, tạo lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì ổn định các thị trường; hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng.
Các kết quả điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”, có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nay, TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 – thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell hiện đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 – thị trường mới nổi. Sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp. Đối với hệ thống TCTD, TTCK phát triển hỗ trợ các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.
NHNN luôn quan tâm, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tìm giải pháp phục vụ công tác nâng hạng TTCK. NHNN đã phối hợp làm việc với 2 tổ chức xếp hạng trên để giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, từng bước phát triển thị trường ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ khi cần thiết để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo các dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng. Lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Mặc dù vậy, với độ trễ của các giải pháp chính sách hỗ trợ kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2023, cùng với việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, qua đó giúp các thị trường dần phục hồi, thì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi so với năm 2023. Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5-6,5% và năm 2025 là 6-7%.
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để cùng chung tay, hỗ trợ sự phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững của TTCK trong năm 2024 và các năm tiếp theo, trong thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững. NHNN sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các TCTD; điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… Cùng với những chính sách thu hút nguồn lực, vốn đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, việc NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với tình hình thực tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm cho các chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đạt được hiệu quả cao hơn; giúp tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển TTCK trong tương lai.
Những kiến nghị của NHNN đối với Bộ Tài chính, UBCKNN
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế lớn và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn. Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, phát triển TTCK ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối, bổ trợ tích cực giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
– Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường; đồng thời phối hợp với các bộ ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cho TTCK phát triển.
– Tiếp tục đa dạng hoá các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài… tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường.
– Bộ Tài chính tiếp tục thông tin chặt chẽ với NHNN để tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Ông Lê Ngọc Lâm, TGĐ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV: Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và tái khẳng định cam kết này tại Hội nghị COP27 và COP28.
Để thực hiện cam kết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, và các định hướng, đề án, giải pháp đầu tư cho tăng trưởng và chuyển đổi xanh.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu vốn cần cho phát triển xanh tại Việt Nam từ 2022-2040 lên tới 368 tỷ USD. Trên thế giới, trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư cho tăng trưởng bền vững. Tại các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi và tăng trưởng xanh tại khu vực châu Âu, tỉ trọng phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) chiếm đến 50-60% tổng quy mô tài chính xanh. Tỉ trọng này tại khu vực châu Á cũng đã đạt khoảng 30-35%.
BIDV – một trong các tổ chức cấp tín dụng xanh lớn nhất thị trường với tổng dư nợ đạt 71.000 tỷ đồng
Trong xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ, BIDV đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, và đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng Net Zero vào năm 2050. Theo đó, BIDV cũng đã triển khai chiến lược phát triển bền vững trên toàn bộ các mặt hoạt động của ngân hàng:
Thứ nhất, thành lập đơn vị chuyên biệt để nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG tại BIDV.
Thứ hai, xây dựng các khung tài chính bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng cho cả cả hoạt động cấp tín dụng, huy động vốn và quản lý rủi ro.
Thứ ba, xây dựng các định hướng và chính sách cấp tín dụng liên quan đến ESG. Cụ thể, BIDV đã chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng (i) giảm dần các ngành gây phát thải carbon cao như nhiệt điện than, hướng đến không còn dư nợ nhiệt điện than vào năm 2035; kiểm soát giới hạn tín dụng đối với các ngành thép, xi măng, phân bón; và (ii) Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua ban hành các sản phẩm Tín dụng xanh trong lĩnh vực dệt may, điện mặt trời áp mái, giao thông xanh, … với các ưu đãi về lãi suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỷ giá.
Đến hết 2023, BIDV là một trong các tổ chức cấp tín dụng xanh lớn nhất thị trường với tổng dư nợ đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với dư nợ là 57.000 tỷ đồng, với 1.600 dự án của 1.300 khách hàng.
Cơ cấu nguồn vốn tài trợ cho tín dụng xanh của BIDV bao gồm nguồn vốn từ tiền gửi, vay các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế, nguồn vốn ủy thác.
Năm 2023, BIDV đã mở ra kênh huy động vốn mới, làm tiền đề gia tăng năng lực cung ứng vốn xanh cho nền kinh tế thông qua phát hành trái phiếu xanh. Đợt phát hành với quy mô 2.500 tỷ đồng trái phiếu theo chuẩn trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA), đưa BIDV thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường trong nước.
Để triển khai phát hành, BIDV đã chủ động nghiên cứu các thông lệ, nguyên tắc trái phiếu xanh quốc tế; Nhờ sự tư vấn kỹ thuật của World Bank, Chương trình hỗ trợ kỹ thuật của NHNN, Sổ tay hướng dẫn của UBCKNN, BIDV đã xây dựng Khung Trái phiếu xanh theo chuẩn ICMA và đạt định hạng rất cao của Moody’s.
Đây là yếu tố quan trọng để xác lập thành công của đợt phát hành. Trong vòng 2 tháng sau phát hành, BIDV đã giải ngân hết vốn trái phiếu tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và giao thông bền vững.
Việc triển khai phát hành của trái phiếu xanh khẳng định chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng và mong muốn của BIDV đóng góp cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.
BIDV đề xuất kiến nghị khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh
Trong thời gian tới, để khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh, thông qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam, BIDV xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm: (i) Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn.
Ngoài ra, xem xét quy định các tiêu chí xanh bao gồm các cấp độ tương ứng với các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững; đồng thời (ii) Ban hành các hướng dẫn cho hoạt động phát hành và báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh, trong đó xem xét đến các quy định đặc thù giữa hoạt động của TCTD và tổ chức kinh tế.
Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông qua việc (i) tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh như hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế…; (ii) đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về môi trường; Thúc đẩy công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.
Thứ ba, khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh: (i) xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư mua trái phiếu (ví dụ ưu đãi về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư…); (ii) nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phát triển bền vững, cộng đồng và xã hội.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup tham luận về chủ đề: Huy động vốn qua thị trường chứng khoán: Kênh huy động vốn không thể thiếu đối với doanh nghiệp:
Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là phương thức huy động vốn không thể thiếu được ở một thị trường chứng khoán phát triển, đang ngày càng trở nên phổ biến và hiệu quả tại Việt Nam. Sự phát triển của thị trường vốn ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô, sự đa dạng của sản phẩm, khung pháp lý cũng ngày càng hoàn thiện hơn, để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư. Doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhà đầu tư có thể đến từ trong nước hoặc quốc tế, giúp cho sự phát triển của các doanh nghiệp được hiện thực hóa thông qua những khoản vốn kịp thời, đúng thời điểm, và chi phí vốn hợp lý. Hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế cũng đã rót nhiều tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp thông qua kênh đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE) đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua TTCK Việt Nam và quốc tế
Là một trong những Tập đoàn tư nhân đa ngành nghề lớn nhất Việt Nam, sớm hướng tới những chuẩn mực quốc tế khắt khe nhất, Vingroup tự hào có bộ máy vận hành chuyên nghiệp và hệ thống quản trị rủi ro hàng đầu trong hành trình vươn ra biển lớn, với quyết tâm xây dựng một thương hiệu Việt có uy tín, đẳng cấp cao trên thị trường quốc tế. Vingroup đã tham gia TTCK Việt Nam từ rất sớm, sự phát triển của Vingroup ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó có TTCK đóng vai trò rất lớn.
Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đang có 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC), CTCP Vinhomes (mã cổ phiếu VHM), CTCP Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE), có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 419 nghìn tỷ, tương đương hơn 17 tỷ USD, đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua TTCK Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, ngày 15/8/2023, Công ty VinFast Singapore, một công ty thành viên của Vingroup, đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên, chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Hoa Kỳ). Vingroup đã có nhiều kinh nghiệm huy động vốn từ phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế (cụ thể là tại thị trường chứng khoán Singapore), nhưng việc niêm yết tại NASDAQ đã mở ra những kênh huy động vốn mới với các nhà đầu tư lớn và uy tín trên toàn cầu, đồng thời Vingroup cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quản trị và công bố thông tin tại đất nước có nền tài chính phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi không quá bỡ ngỡ vì có sự chuẩn bị kỹ càng và đã có nền tảng tuân thủ các quy định tương tự tại Việt Nam.
Trong 17 năm có mặt trên TTCK Việt Nam, những lợi ích trọng yếu Vingroup đạt được có thể kể đến như sau:
Quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn: Các quy định chặt chẽ, rõ ràng về quản trị công ty đại chúng, mà gần đây nhất là Thông tư 116/2020/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2020 đều hướng đến một cơ chế quản trị nghiêm túc, rõ ràng, giúp hoạt động của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ và công khai.
Huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh: Tính đến nay, chúng tôi đã có những hoạt động vốn rất đa dạng như phát hành cổ phiếu riêng lẻ và ra công chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ và ra công chúng. Qua đây chúng tôi cũng tìm được những nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, tạo thành một mạng lưới với kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực hoạt động, những người có thể hỗ trợ và hợp tác với chúng tôi về quản trị, sản xuất, kênh bán hàng, vốn, và đặc biệt là công nghệ. Ngoài ra, khi có những cổ đông chiến lược làm thẩm định đánh giá doanh nghiệp, chúng tôi cũng nhìn được những điểm cần cải thiện khắc phục để phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, về quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, chúng tôi được nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, các nhà đầu tư khi tìm hiểu về chúng tôi thì cũng có những hiểu biết về hệ sinh thái đa dạng của Vingroup; hiểu hơn về sản phẩm và dịch vụ chúng tôi cung cấp tại thị trường Việt Nam và toàn cầu.
Trong năm 2024, Vingroup tiếp tục có kế hoạch huy động vốn thông qua cả kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thông thường và mở rộng thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup.
Đề xuất của Vingroup tới Chính phủ và các cơ quan quản lý
Trong quá trình phát triển của Vingroup gần 20 năm qua trên TTCK, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán). Để đây tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và hoàn thiện hơn nữa, Vingroup xin có một số kiến nghị đề xuất tới Chính phủ và các cơ quan quản lý như sau:
Tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành những quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường.
Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam: Đầu tiên tôi xin nói về vai trò của TTCK đối với Việt Nam.
Chức năng đầu tiên của TTCK là cung cấp nguồn vốn dài hạn và ổn định hơncho các hoạt động phát triển doanh nghiệp so với vay ngân hàng.
Khoản vay ngân hàng có kỳ hạn tương đối ngắn và không ổn định. Các khoản vay này đồng thời yêu cầu thanh toán hàng năm hoặc vài tháng một lần. Cổ phiếu cung cấp nguồn vốn cố định dưới hình thức vốn chủ sở hữu.
Trái phiếu doanh nghiệp cung cấp nguồn vốn trong khoảng thời hạn từ 3 đến 5 năm.
Chức năng thứ hai của TTCK là nhằm nâng cao sự thịnh vượng của công dân Việt Nam. Nhà đầu tư cổ phiếu có thể gia tăng giá trị tài sản khi giá cổ phiếu tăng. Nhà đầu tư trái phiếu có thể nhận lợi suất đầu tư cao hơn so với tiền gửi ngân hàng.
Quỹ hưu trí đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu để tạo ra các khoản lợi nhuận đáng kể, sau đó được phân phối cho công dân dưới hình thức lương hưu.
Công dân lập kế hoạch cho việc nghỉ hưu có thể tham gia vào các quỹ đầu tư dài hạn.
Về đề xuất cho sự phát triển của TTCK tại Việt Nam, chúng tôi xinkhuyến nghị như sau:
Mở rộng thị trường chứng khoán Việt Nam
Về phía cung: Đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HOSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UPCOM, 50% vốn hóa ở đó thuộc ngành Hàng hóa và Dịch vụ Công nghiệp và Thực phẩm & Đồ uống. Hiện tại, ngành Ngân hàng và Bất động sản đang chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HOSE.
Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting depository receipt, viết tắt là NVDR) để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường.
Về phía cầu: Khuyến khích các ngân hàng và công ty bảo hiểm đầu tư vào cổ phiếu, thúc đẩy chiến lược quản lý tài sản đa dạng và lợi suất cao.
Giới thiệu Hệ thống cổ phiếu nhân dân để phân phối cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước uy tín và có nền tảng vững chắc với giá thấp hơn phát hành ra công chúng, thúc đẩy sự tăng trưởng tài sản của công dân.
Triển khai quỹ hưu trí nhằm khuyến khích người dân chuẩn bị nghỉ hưu thông qua kế hoạch đầu tư dài hạn.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, cung cấp quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, tự do hóa thị trường ngoại hối và các quy định thị trường bằng tiếng Anh .
Tổ chức thường xuyên các Hội nghị xúc tiến nhà đầu tư (IR) để liên tục giới thiệu các công ty uy tín của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống giao dịch
Không ngừng nâng cao hệ thống giao dịch để xử lý an toàn các lệnh khác nhau, bao gồm cổ phiếu, hợp đồng tương lai và quyền chọn, mặc dù với khối lượng lớn.
Nguồn: Người Quan Sát