Nhiều nhận định cho rằng, dịch bệnh dù ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người mua nhà, song đây cũng chính là thời điểm mà người mua dễ tiếp cận với các chính sách bán hàng hấp dẫn từ chủ đầu tư.

Theo nhận định của đại diện JLL Việt Nam, để thích nghi với đợt dịch lần này, nhiều chủ đầu tư đã áp dụng phương pháp bán hàng trực tuyến để quảng bá sản phẩm, cùng với đó là nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn được tung ra như lịch thanh toán dài hơn, lãi suất bằng không trong kỳ hạn dài, cùng nhiều quà tặng giá trị khác, điều này sẽ thúc đẩy tâm lý mua BĐS với chính sách tốt hơn so với thời điểm chưa dịch.

Chia sẻ mới đây, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay, dịch bệnh là cơ hội để khách hàng tiếp cận được BĐS với mức giá và phương thức thanh toán tốt. Để doanh nghiệp có thời gian chỉnh chu pháp lý, nâng cao chất lượng dự án trước khi đưa ra thị trường. Nghĩ lạc quan hơn, doanh nghiệp có thể xem đây là thời gian “set up” lại bộ máy, đẩy nhanh quá trình số hóa trong vận hành để nâng cao hiệu quả công việc trong dài hạn.

Vị CEO này cho rằng, rõ ràng thời điểm này cho đến khi dịch bệnh chưa được kiểm soát thì thị trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên đây chỉ là những ảnh hưởng trong ngắn hạn và thị trường sẽ phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoặc Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng. Hiện chúng ta đang có nhiều cơ sở để lạc quan vào tốc độ phục hồi của thị trường BĐS ít nhất là vào đầu 2021.

Đầu tiên là theo thông tin từ Bộ Y Tế, Việt Nam đang dồn nguồn lực để cuối 2021 đạt được miễn dịch cộng đồng. Nếu theo đúng tiến trình này, từ đầu năm 2022, câu chuyện của thị trường BĐS sẽ không còn phụ thuộc vào yếu tố dịch bệnh nữa. Lúc này, các dự án BĐS nhà ở, BĐS công nghiệp sẽ phục hồi trước, sau đó là đến các phân khúc như mặt bằng, văn phòng cho thuê, BĐS nghỉ dưỡng,… theo tiến trình phát triển của nền kinh tế vĩ mô

Thứ hai, hiện lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm cả tiền gửi và tiền vay, nguồn tiền rẻ được bơm vào thị trường ngày càng nhiều là cơ sở để kích cầu nhu cầu đầu tư và mua ở của BĐS.

Thứ 3, dù chưa kiểm soát tốt dịch bệnh trong giai đoạn này song Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ngành công nghiệp. Sự phát triển của công nghiệp kéo theo sự sôi động của loại hình nhà ở, đất nền, kho bãi, văn phòng,… tại các khu vực phát triển công nghiệp.

Thứ 4, Với tính an toàn, hữu hạn và tỷ suất sinh lời ổn định, thậm chí có thể đột biết, BĐS luôn là kênh đầu tư vua được người Việt lựa chọn hàng đầu, vượt trội hơn hẳn chứng khoán, vàng, ngoại tế,…. Do đó tầm nhìn dài hạn, người Việt vẫn ưu tiên dòng vốn đổ về mảng BĐS. Trên thực tế, tùy vào bối cảnh thị trường ở một số thời điểm BĐS có thể đi ngang song trong dài hạn, tỷ suất sinh lời của BĐS luôn vượt trội và ổn định hơn hẳn các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, tiết kiệm,… Mặt khác, so với kênh chứng khoán, tiền ảo,… thì đầu tư BĐS có rủi ro gần như bằng 0.

Cùng quan điểm, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, khi mà các biện pháp khống chế đại dịch Covid-19, điển hình là chiến dịch tiêm vắc-xin trên diện rộng đang được triển khai, đạt được các kết quả trên quy mô lớn thì nhiều dự án cơ sở hạ tầng sẽ được khởi động lại, các hoạt động kinh tế khác cũng từng bước sôi động hơn. 

Đây là những động lực quan trọng khiến cho thị trường bất động sản dần hồi phục, khởi sắc và nhộn nhịp trở lại. Hiện nay, tất nhiên là sẽ có một số nhà đầu tư ưu tiên bảo toàn dòng tiền và có thể thấy qua hiện tượng thông tin truy vấn về đất nền đã giảm mạnh trong thời gian vừa qua. 

Dù vậy, đây chỉ là hiện tượng mang tính giai đoạn. Xét về dài hạn, với tiềm năng phát triển lớn và đà tăng trưởng mạnh mẽ, bất động sản vẫn là thị trường đầy tiềm năng, tỷ suất sinh lời cao, hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư quốc tế. 

 Vị chuyên gia này cho rằng, dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư “chùng” lại, cũng là cơ hội để họ đánh giá toàn diện hơn về thị trường cũng như chiến lược đầu tư của bản thân. Đây có thể xem là bước “lấy đà” cho một giai đoạn tăng trưởng mới. Đồng thời, cũng là cơ hội tốt cho người mua nhà khi được hưởng lợi từ các chính sách tốt từ đơn vị bán hàng. 

 Chia sẻ trước đó, ô ng Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group cũng khẳng định, hiện nay, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đang thận trọng hơn trong chiến lược giới thiệu ra dự án mới. Điều này khiến khách hàng không có nhiều lựa chọn khi có nhu cầu đầu tư hoặc an cư. 

Mặt khác, dịch bệnh cũng làm giảm nhu cầu đổ dòng vốn vào thị trường khiến khả năng thanh khoản trong giai đoạn này không sôi nổi. Đi kèm theo đó, tỷ lệ tăng giá không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là thời cơ để khách hàng săn được các sản phẩm vừa túi tiền. Bởi với những chủ đầu tư vẫn kiên định bán hàng trong giai đoạn này hoặc hậu dịch bệnh, để kích cầu sức mua, đa số doanh nghiệp đều triển khai các chính sách có lợi cho khách hàng giúp nhà đầu tư sở hữu được sản phẩm BĐS với mức giá và phương thức thanh toán tốt.

Nhìn ở góc độ dài hạn, nếu thời điểm trước, giá BĐS trong tình trạng tăng nóng, tăng gối đầu từng đợt thì hiện nay doanh nghiệp phải điều chỉnh lại chiến lược giá bán và chu kỳ tăng giá để phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô. Từ đó giúp thị trường BĐS quay về giá trị thực, tạo tiền đề cho cú “nhảy vọt” sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn và nền kinh tế phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Vì sao giá bất động sản vẫn tăng bất chấp dịch bệnh
Nhu cầu thuê văn phòng Tp.HCM tiếp tục suy giảm vì dịch

Nhu cầu thuê văn phòng Tp.HCM tiếp tục suy giảm vì dịch

Cũng theo JLL Việt Nam, với tình hình dịch diễn biến phức tạp, việc trả mặt bằng trước hạn, giảm diện tích hay dời địa điểm nhằm thắt chặt ngân sách sẽ ngày càng trở nên phổ biến đối với phân khúc văn phòng cho thuê.

Trong quý 2/2021 theo đơn vị này, thị trường văn phòng không ghi nhận thêm nguồn cung mới ở tất cả các phân hạng, tổng nguồn cung văn phòng toàn thị trường Tp.HCM tính đến quý 2 đạt 2.600.000m2. Hai tòa nhà văn phòng Hạng B bao gồm The Grace ở Quận 7 và The Pearl 5 ở Quận 3 đã trì hoãn thời gian mở cửa chính thức vào quý 3/2021 do ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ 4 diễn ra vào tháng cuối cùng của quý

Tỷ lệ hấp thụ thuần ở văn phòng Hạng A& B trong quý đạt hơn 5.000 m2, đến từ nhóm khách hàng công nghệ, bất động sản, tài chính và quảng cáo. Phần lớn các giao dịch thành công tại những tòa nhà mới đi vào vận hành, còn nhiều diện tích trống và phía chủ nhà cũng đã đưa ra các chính sách cho thuê mới hấp dẫn. Thị trường hầu như chưa ghi nhận các doanh nghiệp thuê mới, chủ yếu vẫn tập trung vào các giao dịch thay đổi địa điểm và mở rộng diện tích văn phòng.

Mặc dù tỷ lệ hấp thụ thuần dương, nhưng theo JLLL, đại dịch kéo dài đã có không ít ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của nhóm khách thuê trong phân khúc này. Việc trả mặt bằng trước hạn, giảm diện tích hay dời địa điểm nhằm thắt chặt ngân sách sẽ ngày càng trở nên phổ biến.

Tuy vậy, trong quý 2, giá thuê trung bình văn phòng (chưa bao gồm VAT và phí quản lý) Hạng A&B tại Tp.HCM ghi nhận ở mức 30,6 USD/m 2 /tháng (tương đương với 700 ngàn đồng/m2), ổn định theo quý và giảm nhẹ 1% theo năm. Giá thuê nhìn chung không thay đổi do các chủ nhà vẫn đang duy trì được tỷ lệ lấp đầy trung bình. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm, các tòa nhà mới hoàn thành vẫn đang chịu áp lực lấp đầy diện tích trống, vì thế chủ nhà sẽ tiếp tục có chính sách giá thuê hấp dẫn và đàm phán các điều kiện linh hoạt hơn.

Dự kiến nguồn cung văn phòng mới sẽ rất hạn chế trong 6 tháng còn lại của năm 2021. Chỉ có hai tòa Hạng B sẽ khai trương và bổ sung thêm 20.000 m2 cho thị trường văn phòng. Nguồn cung Hạng A sẽ vẫn khan hiếm do không có nguồn cung mới và tất cả tòa nhà Hàng A hiện hữu đều ghi nhân tỷ lệ lấp đầy cao.

Đáng nói, nhu cầu dự kiến tiếp tục suy giảm trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Tp.HCM. Tuy nhiên, do nguồn cung mới hạn chế, giá thuê dự kiến sẽ ổn định từ đây cho đến cuối năm 2021, đạt 47 USD/m2 /tháng (tương đương với 1.000.000 đồng/m2) cho tòa nhà Hạng A và 26 USD/m2 /tháng (tương đương với 600.000 đồng/m2) cho tòa nhà Hạng B.

Tham khảo: CafeF