Liên danh chủ đầu tư dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng là Phát Đạt (PDR) và Tổng Công ty Đền bù giải tỏa cho rằng việc Chủ tịch UBND Tp. HCM chỉ đạo dừng dự án là không tuân thủ quy định pháp luật.

Theo công văn gửi Bí thư Thành ủy Tp. HCM và Chủ tịch UBND Tp. HCM của liên danh nhà đầu tư dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng là Tổng CTCP Đền bù giải tỏa – CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), việc Chủ tịch UBND Tp. HCM thống nhất dừng đầu tư dự án, chuyển sang đầu tư công đã không tuân thủ đúng quy định chuyển tiếp tại điểm c khoản 3, điểm b khoản 5 điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bởi lẽ theo quy định chuyển tiếp thì dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện theo hình thức BT và cũng đã được tổ công tác tham mưu cho UBND Tp. HCM về dự án nhận định.

Đồng thời, doanh nghiệp cho rằng việc tiếp tục triển khai dự án sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho thành phố. Lý do bởi việc này tuân thủ đúng quy định về chuyển tiếp, đảm bảo không làm thay đổi chủ trương đầu tư; tạo sự đồng bộ, nhất quán về chủ trương hình thức đầu tư của dự án; kế thừa được toàn bộ thủ tục pháp lý đầu tư; tạo niềm tin cho liên danh nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp khác trên địa bàn…

Trong khi đó, nếu dừng dự án BT để chuyển sang đầu tư công là chưa chính đáng và không thuyết phục. Việc dừng dự án vừa chưa phù hợp quy định Luật PPP, vừa vi phạm thỏa thuận đầu tư đã ký kết giữa nhà đầu tư và UBND Tp. HCM, sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn về thời gian, công sức, tiền của và nhà đầu tư sẽ khó đồng thuận.

Phát Đạt (PDR) đề nghị được tiếp tục làm dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Hình ảnh khu đất làm dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Trước đó, vào cuối tháng 4, Chủ tịch UBND Tp. HCM Phan Văn Mãi có chỉ đạo dừng dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng sau 16 năm triển khai. Vị trí dự án tại tại số 8 đường Võ Văn Tần, quận 3, Tp. HCM.

Theo tìm hiểu, dự án này được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) từ năm 2008 và triển khai vào tháng 3/2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 988 tỷ đồng. Công ty TNHH An Tạo và Tổng Công ty Đền bù giải tỏa được chỉ định làm chủ đầu tư.

Sau đó, phía An Tạo rút khỏi dự án do không đủ năng lực thực hiện. Vào năm 2018, Tổng CTCP Đền bù giải tỏa và Phát Đạt được chỉ định là nhà đầu tư. Vốn đầu tư của dự án cũng lên 1.953 tỷ đồng sau 2 lần điều chỉnh.

>> ‘Vuột mất’ dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Phát Đạt đã chi bao nhiêu tiền?

Nguồn: Người Quan Sát