Văn phòng UBND TP.HCM vừa qua đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về việc dừng đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) tại địa chỉ số 8 Võ Văn Tần, Quận 3 theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT), chuyển thành phương thức đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP giao các sở, ngành liên quan xem xét cơ sở pháp lý, rà soát các công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định chi phí hợp lý để làm cơ sở đàm phán, thương lượng với nhà đầu tư theo hướng xử lý dứt điểm trên nguyên tắc hài hòa lợi ích và đúng quy định.
Sau 7 năm tháo dỡ công trình cũ, dự án xây mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã có chuyển biến pháp lý mới. Dự án sẽ được giao lại cho Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM làm chủ đầu tư. Do đó, TP.HCM phải thương lượng để hoàn trả chi phí hợp lý cho nhà đầu tư.
Đội vốn gấp đôi, “đắp chiếu” gần thập kỷ
Tọa lạc trên khu “đất vàng” của Quận 3 với 4 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Pasteur – Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng là nơi đào tạo, tập luyện và tổ chức thi đấu một số bộ môn thể thao của TP.HCM.
Nhà thi đấu cũ được xây dựng năm 1977 và đi vào hoạt động từ năm 1985. Dù đã nhiều lần sửa chữa nhưng đến nay Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã lộ vẻ xuống cấp. Vào năm 2008, UBND TP.HCM đã có chủ trương xây mới nhà thi đấu này.
Được biết, ban đầu dự án nhà thi đấu có mức đầu tư được công bố 988 tỷ đồng. Khi có phương án thiết kế mới vào năm 2013, tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án tăng lên 1.353 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí thiết bị và dụng cụ thể thao.
Năm 2016, khi UBND TP.HCM phê duyệt báo báo nghiên cứu khả thi, dự án đội vốn lên gần 1.954 tỷ đồng. Đầu năm 2018, TP.HCM xem xét bổ sung thêm 3 ha đất tại Trường đua Phú Thọ, Q.11 để thanh toán cho chủ đầu tư. Tuy nhiên phương án này đã bị bác bỏ, UBND TP.HCM chỉ đạo tìm quỹ đất khác thay thế.
Sau đó, chủ đầu tư được giao khu đất 257 Trần Hưng Đạo (quận 1) để thanh toán. Tuy nhiên, do chi phí xây dựng tăng khiến công trình đội vốn, UBND TP xin bổ sung khu đất tại 3-3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) và các khu đất khác để thanh toán cho nhà đầu tư.
Đầu năm 2017, nhà thi đấu Phan Đình Phùng được tháo dỡ. Từ đó đến nay, khu “đất vàng” hơn 14.400 m2 này bị bỏ trống, rơi vào cảnh “đắp chiếu”.
‘Ôm’ dự án hơn chục năm rồi vuột mất
Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TP.HCM thí điểm đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) từ năm 2008. Chủ đầu tư dự án này là liên danh giữa Tổng Công ty CP đền bù giải toả và Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR).
Phát Đạt từng cho biết dự kiến khởi công dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng vào năm 2018 và hoàn thành sau 2 năm.
Với Hợp đồng BT xây mới nhà thi đấu, chủ đầu tư được hoán đổi bằng khu đất 257 Trần Hưng Đạo và các khu đất có giá trị tương ứng.
Tính đến tháng 9/2019, chủ đầu tư và UBND TP.HCM đã ký biên bản hoàn tất đàm phán, ký tắt thoả thuận đầu tư và dự thảo hợp đồng BT. Tuy nhiên, trước đó Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương tạm dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho các dự án hợp đồng BT.
Phát Đạt đã chi bao nhiêu tiền cho dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng?
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Phát Đạt đã hạch toán 77,1 tỷ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Chi phí này được giữ nguyên so với thời điểm cuối năm 2023.
Tại danh mục đầu tư vào các công ty liên kết, Phát Đạt cũng báo cáo đã đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư xây dựng công trình PĐP (Công ty Công trình PĐP) số tiền là gần 17,3 tỷ đồng.
Công ty Công trình PĐP được thành lập ngày 3/7/2018, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Đây là công ty chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Kết thúc quý I/2024, Phát Đạt đã góp gần 17,5 tỷ đồng trên 147 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty Công trình PĐP. Trong kỳ, Phát Đạt ghi nhận giao dịch góp vốn 771 triệu đồng và khoản cam kết góp vốn trị giá gần 130 tỷ đồng tại Công ty Công trình PĐP.
Theo Hà Ly
An ninh tiền tệ
Nguồn: Cafef