Tính đến cuối tháng 9.2022, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh Phát Đạt (PDR) âm đến 1.758 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm gần 62 tỉ đồng. Nguyên nhân đến từ sự gia tăng các khoản phải thu.

Trích báo cáo tài chính quý III/2022 của Bất động sản Phát Đạt. Ảnh chụp màn hình
Trích báo cáo tài chính quý III/2022 của Bất động sản Phát Đạt. Ảnh chụp màn hình

Việc các kênh tín dụng bị thắt chặt, doanh thu giảm, áp lực trả nợ từ kênh trái phiếu, dòng tiền âm… là một trong những nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh PDR gặp nhiều khó khăn trong những năm qua. Trong đó, không thể không nói đến nỗi lo dòng tiền Phát Đạt âm nặng trong năm qua.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 9.2022, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh PDR âm đến 1.758 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm gần 62 tỉ đồng. Nguyên nhân đến từ sự gia tăng các khoản phải thu. Tính đến cuối quý III/2022, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty tăng 200,5% so với đầu năm, từ mức 2.533 tỉ đồng lên 7.614 tỉ đồng.

Theo đó, bất động sản (BĐS) Phát Đạt ghi nhận một loạt khoản phải thu tăng thêm với Công ty TNHH BĐS IDK với 308 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS NTR 306 tỉ đồng, Công ty Cổ phần BĐS CDK 251 tỉ đồng, Công ty Cổ phần BĐS BDK 230 tỉ đồng, Công ty TNHH  BĐS EDK 200 tỉ đồng, Công ty TNHH BĐS HDK 154,4 tỉ đồng, Công ty TNHH BĐS GDK 128 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings 1.446 tỉ đồng…

Đáng chú ý rằng, các doanh nghiệp nói trên đều ít nhiều có liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi của đại gia Lê Thống Nhất. Bên cạnh đó, việc tiền lãi vay đã trả tăng từ 44 tỉ đồng lên gần 110 tỉ đồng cũng góp phần khiến dòng tiền doanh nghiệp âm nặng cuối tuần.

Ở một diễn biến khác, tính đến cuối quý III/2022, trung bình mỗi ngày Phát Đạt phải chi đến hơn 1 tỉ đồng để trả lãi vay. Theo đó, tính đến ngày 30.9.2022, chi phí lãi vay PDR lên đến 364 tỉ đồng, tăng 232% so với cùng kỳ (86 tỉ đồng). Tương ứng chi phí lãi vay tăng 278 tỉ đồng chỉ sau 1 năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 cho thấy, nợ vay tăng mạnh từ 3.427 tỉ đồng (quý III/2021) lên 5.264 tỉ đồng là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí nợ vay Phát Đạt “phình to”. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong 1 năm gần đây, PDR đẩy mạnh huy động vốn từ kênh trái phiếu.

Cuối tháng 11.2022, trước áp lực của thị trường, Phát Đạt đã chuyển nhượng 88,99% vốn tại Địa ốc Hoà Bình – chủ đầu tư dự án 197 Điện Biên Phủ, TPHCM nhằm mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư của doanh nghiệp. Đáng chú ý, sau khi chuyển nhượng dự án 197 Điện Biên Phủ, Phát Đạt cũng ra thông báo đã hoàn tất mua lại trước hạn 188,7 tỉ đồng trong lô 475 tỉ đồng trái phiếu phát hành đầu tháng 12.2021. Hoạt động này góp phần giúp “giải cứu” cổ phiếu PDR sau chuỗi giảm sàn lịch sử trong tháng 11.2022.

Tuy nhiên, về dài hạn, dưới áp lực nợ vay, nợ trái phiếu cũng như hoạt động kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn sẽ không bất ngờ khi Phát Đạt tiếp tục chuyển nhượng thêm các dự án khác để tạo thanh khoản cho mình.

Nguồn: Báo Lao Động