Sáng 20/2/2024, Ngân hàng Nhà nước tổ chức “Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024”. Theo đó, tín dụng tháng 1/2024 tăng thấp so với cùng kỳ, một số đại diện ngân hàng lớn tiên lượng khả năng hấp thụ tín dụng thấp trong năm nay…
Các ngân hàng kiến nghị gia hạn quy định giãn/hoãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo bà Hà Thu Giang, đến cuối 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71%; trong đó, tín dụng với lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt. Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 11,56%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,61%; tín dụng cho xuất khẩu tăng 6,57%; công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao lần lượt là 26,18% và 17,52%..
Ngân hàng đánh giá triển vọng tăng trưởng tín dụng thấp trong năm 2024 – Ảnh: VnEconomy
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro đang được kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, cuối 2023, tín dụng cho chứng khoán chỉ chiếm 0,62% tổng dư nợ nền kinh tế; số dư đầu tư trái phiếu theo giá trị gốc của toàn hệ thống tổ chức tín dụng giảm 30,3% so với đầu năm; tín dụng với BOT, BT giao thông giảm 6,79% so với cuối 2022k; tín dụng bất động sản đạt trên 2,88 triêụ tỷ đồng, tăng 11,81% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tăng 3,38% và tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,08%.
Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 7,83%; tín dụng chính sách xã hội đến cuối tháng 1/2024 đạt trên 336 ngàn tỷ đồng, tăng 1,36%.
Chương trình 15.000 tỷ đồng cho vay lâm thuỷ sản đã được giải ngân 100% cho trên 6.000 lượt khách hàng.
“Đến cuối 2023, tín dụng bất động sản đạt trên 2,88 triêụ tỷ đồng, tăng 11,81% so với cuối năm 2022. Trong đó, kinh doanh bất động sản tăng 3,38% và tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,08%.” (Ngân hàng Nhà nước)
Đối với gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, bà Giang cho biết đến cuối năm 2023, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án nhà ở, với số tiền trên 7.000 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân cho 6 dự án với số tiền 531 tỷ đồng, có món vay giải ngân cho người mua nhà.
Ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để các tổ chức tín dụng chủ động, quyết liệt tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây.
Cụ thể, tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023, có 5/9 nhóm tổ chức tín dụng ghi nhận tín dụng giảm.
Nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất, ở mức 3,41%; ngân hàng 100% vốn nhà nước giảm 2,2%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giảm 0,88%; nhóm thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng nước ngoài giảm 0,32%.
“Đến cuối tháng 1/2024, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch mới lần lượt là 3,38%/năm và 6,84%/năm. Giảm lần lượt 0,15% và 0,25% so với cuối năm 2023.” (Ngân hàng Nhà nước)
Lý giải về tình trạng tín dụng giảm trong tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết đây là hiện tượng bình thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động do đây là mùa nghỉ lễ.
Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, đại diện các ngân hàng cho rằng khả năng hấp thụ vốn sẽ tăng chậm.
Bởi lẽ, tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp vẫn đang suy giảm, khả năng chống chịu kém. Trong khi đó, áp lực nợ xấu đối với các ngân hàng trong năm 2024 là rất lớn; bộ đệm dự phòng rủi ro nợ xấu đang mỏng đi nên các ngân hàng sẽ thận trọng trong việc cấp tín dụng.
Thông tin tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 20/2 cho thấy: đến cuối năm 2023, toàn hệ thống ghi nhận 187.907 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; tổng nợ gốc và lãi được cơ cấu lại là 183.536 tỷ đồng…
Nguồn: VmEconomy