Những tân sinh viên mồ côi cha mẹ hay cha mẹ đều mù, họ nghèo đến mức phải nghỉ học kiếm tiền, nhưng đã ‘vùng lên’ để bước vào giảng đường. Hôm nay họ được báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm tiếp sức đến trường.
Chiều 17-11, tại khu du lịch Văn Thánh, quận Bình Thạnh (TP.HCM), 231 tân sinh viên Đông Nam Bộ và nhiều tỉnh thành khác đã tụ hội trong chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường do báo Tuổi Trẻ và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức.
Trong đó có 128 tân sinh viên của 7 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và 103 suất học bổng cho tân sinh viên được xét nhận học bổng tại các tỉnh thành khác đang theo học tại TP.HCM chưa có điều kiện tham dự chương trình tại quê nhà.
Bà ngoại xin đại lý nghỉ nửa ngày bán vé số đi coi cháu nhận học bổng
Từ TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến lễ trao học bổng từ sớm, hai bà cháu bạn Nguyễn Thị Mỹ Hằng tươi tắn hơn sau bao ngày hồi hộp chờ đợi cơ hội nhận học bổng. Gần 10 năm nay từ khi cha mất, mẹ bệnh mất sức lao động, Hằng lớn lên nhờ những tờ vé số dãi nắng dầm mưa của bà ngoại.
Bà Nguyễn Thị Nở (67 tuổi, bà ngoại của Hằng) mỗi ngày đạp xe cố bán hết 150 tờ vé số để kiếm 150.000 đồng nuôi con gái và cháu ngoại. Chừng đó tiền, cả nhà ba miệng ăn chắt chiu, chưa kể tiền cho cháu đi học.
Nghe tin cháu ngoại trở thành tân sinh viên ngành luật và chính sách hàng hải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, bà Nở nửa mừng nửa lo. Mừng cháu học tốt, song bà lo tiền đâu cho cháu học tiếp.
Chia sẻ với chúng tôi khi biết Hằng được nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ, bà Nở xúc động vì cháu của bà bước đầu đã có cơ hội chạm tay đến giảng đường.
“Tui mừng dữ lắm. Cám ơn học bổng của quý báo rất nhiều vì đã giúp cháu tôi có tiền đóng học phí, chứ sức tui không thể nào lo nổi”, bà Nở nói. Bà kể trong chiều 17-11 đã xin đại lý vé số cho nghỉ bán nửa ngày để đưa cháu xuống TP.HCM nhận học bổng.
Mỹ Hằng cũng hạnh phúc và biết ơn các nhà hảo tâm đã trao tặng học bổng. “Mai này ra trường, mình sẽ đi làm kiếm tiền đền đáp công lao của bà ngoại và những người giúp mình”, Hằng tâm sự.
Tân sinh viên được ứng trước học bổng vì quá khó khăn: “Nếu Tuổi Trẻ không giúp, tôi phải nghỉ học rồi”
Phạm Quách Bảo Lộc, tân sinh viên Trường Lao động – Xã hội (cơ sở TP.HCM) mất hơn một giờ chạy xe từ nhà ở huyện Bình Chánh đến nơi trao học bổng. Dù vượt quãng đường dài, Lộc nói không mệt, thậm chí rất vui.
Lộc mồ côi cha, mẹ là bà Quách Ngọc Thu nay đã 62 tuổi. Hai mẹ con nương tựa lẫn nhau trong căn nhà ẩm thấp, lọt thỏm trong một con hẻm của xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Điểm sáng của căn nhà chắp nối với những tấm gỗ cũ kỹ ấy là loạt bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận mang tên Phạm Quách Bảo Lộc khi đạt thành tích ở các cuộc thi học thuật.
Cuối tháng 8, báo Tuổi Trẻ quyết định ứng trước học bổng (15 triệu đồng) để kịp cho Lộc làm thủ tục nhập học.
“Vì được nhận trước học bổng, tôi càng phải đến dự buổi lễ hôm nay. Tôi muốn được gặp, nói lời cảm ơn đến các cô chú, các nhà hảo tâm và sự giúp đỡ kịp thời của ban tổ chức. Dù đã chạy vạy khắp nơi, bản thân đã làm thêm nhiều nhất có thể, nhưng nếu không được ứng nhận trước học bổng, chắc có lẽ tôi đã phải nghỉ học rồi”, Lộc xúc động nói.
Được tiếp sức bước đầu khiến Lộc tràn đầy tự tin. Lộc kể hiện đã ngưng làm thêm các công việc nặng nhọc, làm khuya (bốc vác gạo, bán hàng, làm bánh…) như trước. Thay vào đó thì Lộc xin đi làm gia sư, dạy kèm bởi dù gì thì đó cũng thuận tiện hơn.
Mới vào đại học đã làm thêm quá trời, nghe được học bổng ‘tự hỏi có ai lừa mình không’
Nguyễn Dương Quất Tuấn – tân sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM – bắt chuyến xe buýt từ buổi trưa, từ TP Thủ Đức sang quận Bình Thạnh, nơi diễn ra lễ trao học bổng từ rất sớm. Tuấn bên cánh gà hội trường, mồ hôi nhễ nhại khi phải đi bộ một quãng.
Ngay cả khi nhìn thấy tên mình trong danh sách nhận học bổng đợt này, Tuấn nói vẫn rất bất ngờ, không dám tin. “Qua điện thoại, tôi được báo đã đậu và sẽ nhận học bổng vào ngày 17-11 thì bất ngờ lắm. Tôi tưởng mình bị lừa. Với tôi và mẹ, suất học bổng này quý vô cùng, làm được rất nhiều việc”, Tuấn nói.
Tuấn nói không có bố, mẹ đang làm công nhân may ở Quảng Ngãi. Đồng lương công nhân ít ỏi là nguồn sống cho ba mẹ con (sau Tuấn còn có một em gái học lớp 8). Lớn lên trong gian khó nên Tuấn trưởng thành từ rất sớm.
Lần đầu Tuấn đến TP.HCM là để nhập học, chỉ đi một mình. Tuấn biết sẽ phải đi làm thêm nhiều nên chủ động ra ở trọ. Ở cùng bốn bạn học khác trong một phòng trọ, tự nấu ăn hoặc ăn cơm miễn phí ở trường (bữa trưa) giúp Tuấn tiết kiệm tối đa chi phí.
“Nay tôi vừa nhận việc làm thêm, chỉnh sửa các video cho một đơn vị và được trả lương khoảng 2 triệu/tháng. Số tiền đó tôi để dành trả trọ và ăn uống, cũng khó để dư, nhưng nếu có thể thì sẽ tiết kiệm riêng để nộp học phí”, Tuấn nói.
PGS.TS Vũ Hải Quân – ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Đảng ủy, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM: Học bổng chính là sự trân quý, gửi gắm niềm tin đến các em
PGS.TS Vũ Hải Quân cho hay, Đại học Quốc gia TP.HCM có hàng trăm ngàn sinh viên, nhiều sinh viên của Đại học Quốc gia TP.HCM đã được nhận học bổng Tiếp sức đến trường trong thời gian qua và nhiều bạn ra trường có công việc ổn định cuộc sống, phát triển hơn nữa.
Học bổng thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Điều đáng quý là học bổng còn trao gửi đến các bạn niềm tin. Từ những vùng quê xa xôi, các em đến TP.HCM không chỉ là sự bỡ ngỡ. Học bổng còn tiếp thêm niềm tin cho các em. Từ đó các em vững tin về phía trước.
“Bên cạnh học bổng Tiếp sức đến trường, chúng tôi cũng quan tâm giới thiệu, trao gửi đến các em những suất học bổng khác, tạo điều kiện cho các em ở nội trú…
Rất mong và kỳ vọng các sinh viên dù khó khăn nhưng hãy chung tay hướng đến tương lai, đáp ứng những kỳ vọng quan tâm của cộng đồng xã hội”, ông nói.
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ: Bạn đọc nhìn vào các bạn thấy tương lai, chúng tôi nhìn các bạn thấy mình cần hành động!
Phát biểu tại lễ trao học bổng, nhà báo Lê Thế Chữ khẳng định 231 gương mặt hội tụ ở đây hôm nay là 231 câu chuyện đời không giống nhau, nhưng có một điểm rất chung là đã vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh, bằng ý chí, khát vọng của mình cùng nhau bước qua cánh cửa giảng đường.
“Rất nhiều tấm gương tân sinh viên hiếu học, đầy nghị lực đã lay động trái tim bạn đọc. Nước mắt của cộng đồng đã rơi nhưng là nước mắt cảm phục. Có bạn đọc đã nói với Tuổi Trẻ: Nhìn vào các tấm gương “Tiếp sức đến trường” chúng tôi nhìn thấy tương lai, thấy hy vọng và thấy cả điều mình cần hoàn thiện bản thân. Chúng tôi, báo Tuổi Trẻ, các nhà hảo tâm và bạn đọc cảm phục và tự hào vì thành quả của các em.
Có thể nói những câu chuyện vượt khó, đầy nghị lực của các tân sinh viên đã lan tỏa những năng lượng tích cực, như nguồn nước mát cho những bông hoa hé nở trên đất khô cằn và năng lượng từ các em đã khiến cộng đồng bao gồm các nhà hảo tâm, bạn đọc xa gần và đội ngũ làm báo chúng tôi cảm thấy mình cần phải hành động, để là người bạn, người anh, người chị đồng hành cùng các em”, nhà báo Lê Thế Chữ chia sẻ.
Ông cho biết đội ngũ báo Tuổi Trẻ mong muốn có mặt hỗ trợ kịp thời để không bỏ lại phía sau những khát vọng học tập của các em. Báo Tuổi Trẻ mong mãi giữ vai trò là chiếc cầu thân thiết nối kết những tấm lòng yêu thương, nắm chặt tay những tân sinh viên đang khó khăn, thắp lên hy vọng, biến những ước mơ thành sự thật.
Nhà báo Lê Thế Chữ cho biết lễ trao hôm nay tại TP.HCM là dấu mốc cuối cùng của mùa “Tiếp sức đến trường” năm 2024, hoàn thành việc trao 1.334 suất học bổng đến các tân sinh viên nghèo của 63 tỉnh thành với tổng số tiền tài trợ huy động trên 27,5 tỉ đồng đóng góp từ nguồn lực xã hội đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ.
“Đây cũng là dấu mốc cho 22 mùa trao học bổng với con số ấn tượng 25.931 tân sinh viên nghèo đã được nhận học bổng với tổng số tiền tài trợ là 239 tỉ đồng. Chúng tôi xin gửi đến tất cả các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm, bạn đọc xa gần lời cảm ơn sâu sắc vì đã thương các em và tin cậy chúng tôi, cùng nhau biến khó thành việc dễ hơn, biến ước mơ thành hiện thực”, nhà báo Lê Thế Chữ gửi gắm.
Nhắn nhủ với các tân sinh viên vượt khó, nhận học bổng hôm nay, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ khẳng định học bổng trao hôm nay như một sự ghi nhận những nỗ lực lớn lao. Sắp tới ngưỡng cửa vào đời có gian nan, vất vả thế nào thì các tân sinh viên cũng đừng bao giờ đầu hàng số phận, đừng bao giờ bỏ cuộc.
“Chính các bạn sẽ mở cánh cửa tương lai đời mình bằng ý chí, nỗ lực, khát vọng lớn lao của chính mình. Xã hội vẫn luôn có những vòng tay nhân ái nâng đỡ và luôn kỳ vọng vào các em. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang cần bàn tay đóng góp của các em. Các em hãy xứng đáng với tình cảm và kỳ vọng ấy và không ngừng phấn đấu, trở thành những công dân tốt, có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước”, ông nói.
Không chỉ làm mắt sáng cho cha mẹ mù, còn gánh cả ‘giang san’ và bước vào đại học
Cả bố và mẹ của nữ tân sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Như Uyên đều là bị mù cả hai mắt. Thiếu trước hụt sau, khốn khó vô cùng là cuộc sống và gần như Uyên đã quen với điều đó. Cho tới khi COVID-19 ập tới, Uyên nhớ mãi bởi khi đó mọi khó khăn mới là đỉnh điểm.
Trong căn trọ thuê ở quận Gò Vấp, ba Uyên vốn đã ốm yếu nay mắc thêm chứng gai cột sống nên phải nằm một chỗ. Mọi gánh nặng của chuyện cơm áo, tiền nhà trọ… đổ dồn lên đôi vai cô gái trẻ yếu ớt. Uyên một mình xoay xở với đủ thứ nghề để có thể lo liệu, đỡ đần giúp bố mẹ.
Tưởng chừng cuộc sống khó khăn đã nhấn chìm cô gái Nguyễn Ngọc Như Uyên khi bạn quyết định nghỉ học từ lớp 11. Nhưng rồi từ ý chí vươn lên cùng khát khao theo đuổi tri thức, xa hơn là giấc mơ đổi đời chính bằng con chữ chưa bao giờ tắt như kéo Uyên lại.
Sau bao vất vả vì lao ra đời mưu sinh từ sớm, giờ đây Như Uyên đã có thể mỉm cười sải bước khi mình đã là tân sinh viên ngành marketing của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. Với bà Nguyễn Thị Minh Xuân, giai đoạn con gái Như Uyên phải nghỉ học đi làm thêm là khoảng thời gian tuyệt vọng.
“Đến khi con quyết định đi học lại, rồi nói Mẹ ơi con đủ điểm đậu đại học, thật sự lúc đó tôi mừng dữ lắm. Nhưng rồi con báo tiền học, tui chỉ biết ừa đại kẻo sợ nó buồn, cha với mẹ sẽ cố gắng lo cho nhưng thực tâm không biết xoay xở làm sao”, bà Xuân vừa nói vừa khóc.
Chẳng từ ngữ nào có thể tả hết sự bất lực đến tột cùng của ông Phụng bởi sinh con ra nhưng chưa lo liệu được cho con được một ngày thảnh thơi. Để gắng gượng lo cho con, ông Phụng đang cắn răng chịu đựng cơn đau gai cột sống, mò mẫm trong bóng tối mưu sinh bằng nghề bán hàng, tăm bông dạo.
Nghĩ về tháng ngày tới, khi phải đến trường nhiều hơn, không thể làm thêm, chạy giao hàng nhiều như trước giờ nữa… cũng khiến Uyên trăn trở. Nhưng Uyên phải sắp xếp để chớp lấy cơ hội học hành – đối với cô đó cũng là cơ hội thay đổi cuộc đời.
Tân sinh ĐH Kinh tế TP.HCM – mất cả cha mẹ phải làm công nhân 3 năm rồi học lại
Cuộc đời của Lê Hữu Vinh – cậu sinh viên ngành kiểm toán, Đại học Kinh tế TP.HCM – là câu chuyện điển hình về nghị lực và lòng kiên trì. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Vinh từng phải tạm dừng việc học để làm công nhân trong suốt 3 năm liền.
Tưởng như giấc mơ học hành đã khép lại, nhưng rồi với ý chí mạnh mẽ, Vinh quyết định trở lại trường, theo đuổi tri thức. Hy vọng sẽ tự mở ra cho mình cánh cửa mới là động lực để Vinh vươn lên.
Dù nghỉ học 3 năm liền để làm công nhân, thế nhưng khi quay trở lại bục giảng, Vinh không hề thua kém bạn bè về học lực. Trẻ mồ côi nên chuyện phải tự tay làm hết mọi công việc nhà gần như đã quá đỗi bình thường với Vinh.
Thấy Vinh lạc lõng giữa đời, chị Nguyễn Huệ Thư (chị gái của Vinh) chuyển đến TP.HCM trọ sống, mưu sinh với đủ thứ nghề, tiện đường chăm sóc cho em.
“Hiện tại hai chị em cũng không có nhà cửa, đều nương tựa vào gia đình bên ngoài. Nhưng sẽ ráng để Vinh không phải nghỉ học. Đã quá khổ rồi không thể nghỉ học”, chị gái Huệ Thư nói.
Trước khó khăn, thiếu thốn tình thương và một điểm tựa tinh thần, thế nhưng ai nấy trong khán phòng cũng đầy ngạc nhiên trước một Lê Hữu Vinh đầy cố gắng. Có lẽ việc sớm trưởng thành, tự mình mưu sinh từ nhỏ khiến Vinh rất biết và hiểu chuyện, xem khó khăn là động lực.
“Còn cha còn mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây”, những bằng tất cả sự quyết tâm, Hữu Vinh muốn tự sửa lại “chiếc đờn” của đời mình. Và cách để Vinh tự sửa lại đời mình chẳng gì khác ngoài phải học.
Lắng nghe những lời chia sẻ của hai nhân vật giao lưu trên sân khấu, mắt nhòa lệ, tân sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM Đỗ Thị Xuân Mai, quê Đồng Nai, chia sẻ: “Nghe chuyện của bạn, thấy hình ảnh của mình nên tôi không kìm nén được cảm xúc. Tôi cũng mất bố từ lúc 6 tháng tuổi. Mẹ bán rau nuôi hai anh em tôi đi học. Hiện anh trai đang học năm thứ tư.
Tôi lên TP.HCM học, ở trọ, mỗi tháng tiết kiệm hết sức cũng hết khoảng 1,6 triệu đồng tiền trọ. Còn tiền ăn, tôi mang thức ăn và rau củ từ nhà lên góp chung các chị chung phòng nấu ăn để đỡ chi phí cho mẹ.
Cuối tuần tôi đón xe về nhà phụ mẹ bán rau và hôm đi lại mang rau củ và ít thức ăn trở lại đi học. Còn nhiều các bạn khó khăn hơn cả mình nên tôi sẽ cố gắng để vượt qua mọi khó khăn”.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh (Phòng khám Xương khớp Việt) – nhà tài trợ: Học phí đang ngày càng quá cao khiến tôi chạnh lòng, vì sinh viên nghèo có thể bỏ học
Bác sĩ Nam Anh cho biết vì bận công việc bận nên trước đây ông ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, nhất là giúp đỡ tân sinh viên nghèo. Nhưng chính việc các trường đại học liên tục tăng học phí làm ông trăn trở, bởi với mức học phí nhiều trường tới gần 100 triệu/năm, sợ rằng sẽ có nhiều bạn trẻ dù học giỏi đến nhường nào cũng phải khó có điều kiện theo được.
“Tôi vô tình đọc được bài viết về một bạn tân sinh viên học rất giỏi, điểm cao, đỗ trường chất lượng nhưng vì nghèo mà nghĩ chuyện nghỉ học. Từ đó, tôi quan tâm nhiều hơn về chương trình, dần rồi đồng hành cùng, góp chút ít giúp các bạn bước đầu”, bác sĩ Nam Anh cho hay.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh nói ông trăn trở nhiều hơn, bởi dù gì thì mọi giúp đỡ, giá trị của suất học bổng cũng chỉ có giới hạn. Từ đó, ông mong các bạn tân sinh viên cần xác định rõ cho mình lộ trình học tập, phấn đấu, làm thêm một cách kỹ càng.
Tân sinh viên từ Củ Chi tới Văn Thánh nhận học bổng nhưng sợ lạc đường, chú hàng xóm tốt bụng hộ tống miễn phí mẹ, con, dì, cháu…
Một trong những sinh viên đến nhận học bổng sớm nhất là tân sinh viên Ngô Thị Kiều Vy ở huyện Củ Chi, TP.HCM, tân sinh viên Trường đại học Sài Gòn.
Vy mồ côi cha trong những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12. Gánh nặng mưu sinh mong chờ vào người mẹ tảo tần, làm công nhân cho một hãng giày.
“Lương công nhân của mẹ gánh cho cả gia đình, mình thấy thương mẹ quá. Khi có học bổng, mình sẽ để dành đóng học phí, giúp mẹ vơi bớt chút lo toan”, Vy bộc bạch.
Mẹ đưa Vy đi nhận học bổng, còn có người dì cùng hai đứa em họ đi cùng. Chú tài xế gần nhà nhận chở miễn phí. “Mình thấy hoàn cảnh mấy mẹ con khó khăn, bé Vy cố gắng vào đại học nên giúp chở mấy mẹ con đi nhận học bổng và động viên con bé dù có khó khăn thế nào cũng sẽ có mọi người cạnh bên”, anh Trông nói.
Tiếng là dân TP.HCM, cô bạn Ngô Thị Kiều Vy (từng học lớp 12 Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) hiếm khi được đi Trung tâm TP. Nay cô đã rành rẽ mấy tuyến xe buýt để từ chỗ trọ ở huyện Bình Chánh đến trường học và cuối tuần trở về huyện Củ Chi thăm gia đình.
Cô Tống Thị Thanh Tuyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Ngô Thị Kiều Vy, qua điện thoại cho biết kết quả học tập của Vy trong năm học lớp 12 đạt 9.0 đạt học sinh giỏi và hạnh kiểm tốt. Dù hoàn cảnh gia đình gặp phải biến cố, ba mất ngay trong những ngày cuối năm học lớp 12, cô đã cố gắng vượt qua để tiếp tục học tập đạt kết quả tốt vào Trường đại học Sài Gòn.
TS Nguyễn Xuân Hồng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – đơn vị tài trợ: Vinh hạnh đi cùng chương trình ươm mầm tài năng của Tuổi Trẻ
Chia sẻ tại lễ trao học bổng, TS Nguyễn Xuân Hồng cho biết ngoài đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng cũng là công tác mà nhà Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM rất chú trọng.
“Khẩu hiệu của trường là không để các sinh viên vì thiếu kinh phí mà phải bỏ học. Do đó, chúng tôi vinh hạnh cùng báo Tuổi Trẻ đóng góp sức mình trong hành trình ươm mầm tương lai đất nước.
Tôi cũng từng là sinh viên, nên tôi hiểu sự quý giá khi trong hoàn cảnh thiếu điều kiện để đi học mà được giúp đỡ. Và tôi thấy các em sinh viên cũng rất trân trọng điều đó”, TS Hồng cho biết.
Ông Phạm Nam Hương, điều phối viên Hội Tương trợ và hợp tác Đức – Việt, nhà tài trợ: Chúng tôi tin cậy báo Tuổi Trẻ, vì một chương trình quá nhân văn
Ông Nam Hương cho biết Hội đã đồng hành cùng các chương trình, hoạt động xã hội của báo Tuổi Trẻ từ những năm đầu của chương trình “Vì ngày mai phát triển”. Mọi đóng góp của Hội cho các chương trình xã hội dựa trên sự tin cậy với báo Tuổi Trẻ.
Ngay khi biết về chương trình học bổng Tiếp sức đến trường, thành viên Hội nghĩ phải tham gia ngay. “Đơn giản vì mục tiêu của chương trình rất nhân văn. Chọn sinh viên để hỗ trợ, nâng bước để các bạn theo đuổi giấc mơ chinh phục tri thức là một hướng đi bền vững, tri thức là sức mạnh của xã hội. Đây cũng là điều mà chúng tôi đang hướng tới”, ông Phạm Nam Hương chia sẻ.
Mẹ vay nóng 20 triệu cho con làm học phí, nay nhận học bổng 15 triệu: “Tôi mừng quá đi!’
Bạn Trần Hồng Ngọc, tân sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, đi cùng mẹ là chị Huỳnh Thị Hồng Nga từ Đồng Nai lên nhận học bổng. Gia đình gồm 7 anh chị em, Ngọc là con thứ 3 trong gia đình. Hai mẹ con chở nhau đi từ Đồng Nai từ lúc 13h vì sợ đến trễ.
“12 năm Ngọc đều là học sinh giỏi nên tôi rất tự hào. Khi nghe tin con gái đậu đại học, cả gia đình vừa mừng vừa lo, vì gia đình quá nghèo. Gia đình không có đất đai, hai vợ chồng đi làm thuê trong khu trồng thanh long cho người ta. Dù nghèo, vợ chồng tôi cũng cố gắng cho con học vì nó giỏi.
Nghe tin con gái nhận được học bổng, cả gia đình tôi mừng lắm, mừng tới mức không ngủ được.
Hôm nay, tôi xin nghỉ làm một ngày để đưa con gái đi. Với khoản tiền này, vợ chồng tôi cũng đỡ được gánh nặng đầu năm học cho con. Chặng đường phía trước còn dài, nhưng chúng tôi sẽ không để con phải bỏ học giữa chừng”.
ThS Nguyễn Văn Đương – phó trưởng Ban thường trực, Ban Chăm sóc người học, ĐH Kinh tế TP.HCM – đơn vị tài trợ: Ngưỡng mộ nghị lực của các em, ĐH Kinh tế TP.HCM luôn sẵn lòng
ThS Nguyễn Văn Đương cho biết bản thân ông rất ngưỡng mộ chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, bởi mục đích cao cả là giúp cho các em học tốt nhưng khó có điều kiện để hoàn thành việc học. Vì lẽ đó, năm nay ĐH Kinh tế TP.HCM tiếp tục tham gia góp sức để các em khó khăn có thể yên tâm học tập để có thể phục vụ bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.
“Trường mong mỏi với sự tiếp sức đó sẽ tiếp thêm sức mạnh để học tốt hơn”, ThS Đương nói.
Qua những lần phát học bổng ở các năm trước, ông nhận thấy các tân sinh viên rất quý trọng học bổng mà mình nhận được.
“Các em cũng hứa sẽ cố gắng học cũng như phát triển bản thân, thể chất để phục vụ đất nước cũng như hỗ trợ lại cho những bạn có hoàn cảnh như mình, điều đó thật tốt”, ông cho biết.
Bao tình thân lần lượt ra đi, nữ sinh sống dựa vào ông ngoại, học giỏi tuyệt vời
Phạm Thị Kiều Trinh, thôn Sơn Lộc, Xã Cư Huê, Huyện Ea Kar, Đắk Lắk – tân sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, mồ côi cha khi còn nhỏ, mẹ đi bước nữa nên hiện sống với ông bà ngoại. Ông bà nuôi gà, trồng ít rau chắt chiu nuôi cháu gái ăn học.
Bà ngoại như mẹ luôn chăm sóc Trinh, nhưng rồi bà cũng bệnh mà rời bỏ từ những ngày Trinh đang học lớp 12. Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất đi người bà thân yêu thì tin ông Ngoại mắc ung thư phải đi TP.HCM chữa trị.
Dù hoàn cảnh khó khăn, cô lúc nào cũng lạc quan. Trinh nói: “Tôi không thể thay đổi số phận và mọi việc đã diễn ra. Chỉ có niềm lạc quan bước đến sẽ giúp tôi có tương lai. Ra trường, tôi mong mình có việc làm còn lo cho ông ngoại và những người thân yêu của mình”.
Ở huyện xa xôi nhưng thành tích học tập của Trinh thật đáng nể. Đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 12 năm học. Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0. Là đại biểu chính thức của Việt Nam tham gia hội nghị Access Summit 2022 ở Quảng Bình và Access Summit 2023 ở Lào Cai – nơi giao lưu cùng học sinh ưu tú đến từ Lào, Campuchia, Hoa Kỳ, Trinh còn đoạt giải ba trong cuộc thi Viết thư tiếng Anh khu vực Đông Dương do Văn phòng tiếng Anh khu vực Đông Dương, Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức.
Đặc biệt, Trinh còn vinh dự là một trong những học sinh ưu tú được kết nạp vào Đảng vào tháng 6 vừa rồi tại ngôi Trường THPT Ngô Gia Tự.
Trước khi bà mất, hai ông bà sống dựa vào tiền phụ cấp xã hội của bà, chứ không có nương rẫy. Bây giờ ông và Trinh phải dựa vào số tiền từ mấy con gà, con lợn ông nuôi. Trinh nói rất mong có thể nhận được học bổng này để có thể tiếp tục ước mơ đại học. Cô nói: “Từ khi được ban tổ chức báo tin mình nhận học bổng Tiếp sức đến trường, mình vui vô cùng, cũng bớt lo lắng về số tiền học phí cho học kỳ kế tiếp rồi. Mình cảm ơn những tấm lòng đã đến kịp thời, ngay trong lúc mình còn nhiều khó khăn”.
Ông Trương Ngọc Dũng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt – đơn vị tài trợ: Chúng tôi ấn tượng với đam mê học hành của các em
Ông Trương Ngọc Dũng cho hay ông rất xúc động trước những câu chuyện đầy nghị lực, vượt khó vươn lên của các bạn tân sinh viên mà báo Tuổi Trẻ đã đăng tải. Sau bao gian khó của các tân sinh viên, ông nhìn thấy và vô cùng ấn tượng trước niềm đam mê con chữ, niềm quyết tâm theo đuổi và chinh phục tri thức đến cùng của các bạn tân sinh viên. Đó cũng là cơ sở để ông Dũng tin về một Việt Nam tươi sáng, năng động và phát triển ở tương lai, niềm tin đặt ở một thế hệ trẻ đầy tri thức và nghị lực.
Đó là giọt nước mắt của sự đồng cảm, thấu hiểu của giữa những tân sinh viên với nhau. Những giọt nước mắt ấy còn là sự chạnh lòng, nỗi bất lực của những người cha, người mẹ khi không thể chăm chút, đủ sức và lực để lo cho đứa con yêu thương của mình có được một cuộc sống bằng phẳng, là nỗi trăn trở của các nhà tài trợ vì biết các suất học bổng chưa đủ để các tân sinh viên thôi chông chênh.
Cựu sinh viên từng được tiếp sức đến trường Đống Văn Hiếu Ân, kỹ sư phụ trách an toàn bức xạ tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM): Rất hạnh phúc trong ngày trở lại
Đống Văn Hiếu Ân nói rất hạnh phúc khi được quay trở lại, tham dự buổi lễ hôm nay. Nhờ đó mà bao ký ức hạnh phúc về thời điểm anh nhận được suất học bổng quý ngày ấy. Dẫn lại bài thơ Nghe tiếng giã gạo của Bác Hồ, mà bản thân từng được ông nội đọc cho nghe là cách để anh Hiếu Ân trao gửi thông điệp đến các bạn tân sinh viên. “Gạo đem vào giã bao đau đớn / Gạo giã xong rồi trắng tựa bông / Sống ở trên đời người cũng vậy / Gian nan rèn luyện mới thàn công”.
“Tôi muốn gửi đến các bạn rằng cuộc đời luôn có những khó khăn. Vì vậy các bạn phải luôn vững tin bởi trải qua gian nan thì mới có thành công được”, anh Hiếu Ân nói.
Tổng 128 suất học bổng của 7 tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ trị giá hơn 2 tỉ đồng (trong đó có 124 suất trị giá 15 triệu đồng/suất cho tân sinh viên và 4 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng trong suốt 4 năm học cho tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn).
Kinh phí tài trợ cho tân sinh viên 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ do Hội Tương trợ và Hợp tác Đức – Việt, Giáo sư Phan Lương Cầm – phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Dương Thái Sơn và những người bạn, Quỹ Khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty cổ phần Hoàng Kim, Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường đại học Công Thương TP.HCM, Trường Đại học Luật TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trường đại học Tài chính – Marketing, Trường đại học Sài Gòn, Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.
Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 13 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 20 suất luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên đang học tại TP.HCM.
Đây là điểm trao thứ 12 và cũng là đợt trao học bổng cuối cùng trong chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2024 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 601 của báo Tuổi Trẻ. Trong năm 2024, chương trình đã trao cho 1.334 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên 63 tỉnh thành của cả nước với tổng kinh phí hơn 21 tỉ đồng (15 triệu đồng/ 1 học bổng và 20suất đặc biệt 50 triệu đồng/4 năm học).
Ngoài 128 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 7 tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên còn được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phía Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.