Đây là dự án nằm trên “đất vàng” tại TP. HCM và đã được đi vào hoạt động từ năm 1985.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đã có văn bản số 6248/SKHĐT-PPP gửi Liên danh Tổng CTCP Đền bù giải tỏa và CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) – nhà đầu tư dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng phản hồi về những vấn đề nhà đầu tư đưa ra khi TP. HCM chấm dứt đầu tư dự án theo hình thức BT.
Theo đó, quy định pháp luật về đầu thầu khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2017 đã có nhiều thay đổi so với thời điểm xin chủ trương chỉ định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010.
Do đó, việc chỉ định nhà đầu tư năm 2018 căn cứ vào nội dung cho phép chỉ định của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 là không còn phù hợp. Việc tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT tiềm ẩn nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố mong muốn liên danh nhà đầu tư cùng chia sẻ với quyết định của UBND TP. HCM về việc dừng thực hiện theo hình thức BT để chuyển sang đầu tư công với mục tiêu hoàn thành sớm nhất dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, đóng góp vào sự phát triển ngành thể dục thể thao nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế xã hội nói chung của thành phố.
>> Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội đang nợ gần 8.000 tỷ đồng tiền thuế đất
“Đối với các chi phí Liên danh đã bỏ ra, UBND Thành phố đã có chủ trương sẽ hoàn trả cho Liên danh theo đúng các quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên có liên quan” văn bản số 6248/SKHĐT-PPP nêu rõ.
Trước đó, đầu tháng 5/2024, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM có văn bản gửi liên danh nhà đầu tư đề nghị rà soát và báo cáo tổng chi phí đã thực hiện dự án, đồng thời, đính kèm chứng từ, hồ sơ pháp lý có liên quan gửi về Sở. Tuy nhiên, liên danh nhà đầu tư vẫn chưa có báo cáo nên mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM tiếp tục có văn bản nhắc lần 2 đối với Liên danh nhà đầu tư về việc báo cáo tổng chi phí đã thực hiện dự án.
Được biết, nằm trên khu “đất vàng” của Q.3 với 4 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Pasteur – Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng là nơi đào tạo, tập luyện và tổ chức thi đấu một số bộ môn thể thao của TP. HCM.
Đi vào hoạt động từ năm 1985, dù đã nhiều lần sửa chữa nhưng Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã lộ vẻ xuống cấp.
Vào năm 2008, UBND TP. HCM đã có chủ trương xây mới nhà thi đấu này.
Đến đầu năm 2017, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng được tháo dỡ. Từ đó đến nay, khu “đất vàng” hơn 14.400m2 này bị bỏ trống, không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào.
Thông tin về dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Phát Đạt từng cho biết, tổng mức đầu tư khoảng 1.953 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành sau 2 năm. Với Hợp đồng BT xây mới nhà thi đấu, chủ đầu tư được hoán đổi bằng khu đất 257 Trần Hưng Đạo và các khu đất có giá trị tương ứng.
Trước thông tin về việc UBND TP. HCM sẽ dừng triển khai dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng BT, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra ngày 26/4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT Phát Đạt – đã chia sẻ vẫn muốn được tiếp tục đầu tư dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Về số tiền Phát Đạt đã rót vào dự án, tại BCTC hợp nhất quý I/2024, Phát Đạt ghi nhận đã hạch toán 77,1 tỷ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. So với thời điểm tháng 12/2023, chi phí này vẫn được giữ nguyên.
Ngoài ra, Phát Đạt còn cho biết đã đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Công trình PĐP (Công ty Công trình PĐP), một trong những công ty liên kết, số vốn 17,2 tỷ đồng.
>> Loạt dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam ‘rục rịch’ xây dựng, mở rộng trong đầu năm 2024
Nguồn: Người Quan Sát