Dở dang tại các siêu dự án, tồn kho của doanh nghiệp bất động sản NVL, VHM, KDH… tăng cao
Kết thúc quý II/2024, áp lực hàng tồn kho vẫn đè nặng doanh nghiệp bất động sản như NVL, VHM, KDH… Giá trị khoản mục này của một số công ty chiếm hơn nửa tổng tài sản.
Kết thúc quý II/2024, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tăng mạnh.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản |
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) dẫn đầu về lượng hàng tồn kho với tổng giá trị vượt 142.025 tỷ đồng, tăng hơn 3.090 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, bất động sản đang xây dựng chiếm phần lớn, đạt 133.638 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Con số này chủ yếu bao gồm các chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án.
Ngoài ra, Novaland hiện có hơn 8.380 tỷ đồng tồn kho là bất động sản đã hoàn thành và sẵn sàng để bán, giảm hơn 850 tỷ đồng so với mức 9.238 tỷ đồng hồi đầu năm. Tính đến ngày 30/6, giá trị hàng tồn kho được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là 57.910 tỷ đồng.
CTCP Vinhomes (HoSE: VHM) cũng ghi nhận lượng hàng tồn kho lớn với 56.310 tỷ đồng, tăng 993 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, bất động sản đang xây dựng chiếm phần lớn, đạt khoảng 48.618 tỷ đồng, chủ yếu từ tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, giá mua các công ty con, cũng như chi phí xây dựng và phát triển các dự án như Ocean Park 1, 2, 3; Grand Park; Smart City… Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang ở mức 6.023 tỷ đồng, trong khi bất động sản đã hoàn thành và sẵn sàng bán là hơn 411 tỷ đồng, và bất động sản mua để bán là 143 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) ghi nhận tổng tài sản tăng lên hơn 28.400 tỷ đồng vào cuối quý. Giá trị tài sản dở dang tại 8 dự án chiếm 76% tổng tài sản, tương đương trên 21.450 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Cụ thể, dự án Khang Phúc – Khu dân cư Tân Tạo (The Privia, Bình Tân) có giá trị dở dang lớn nhất với gần 6.560 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm; dự án Bình Trưng – Bình Trưng Đông (The Clarita, quận 2 cũ) đạt hơn 4.170 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng; dự án Đoàn Nguyên – Bình Trưng Đông (Emeria, quận 2 cũ) đạt hơn 3.470 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng; và dự án Khang Phúc – Khu dân cư Bình Hưng 11A (The Solina, Bình Chánh) đạt hơn 1.540 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) đạt 19.232 tỷ đồng, tăng khoảng 1.877 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là bất động sản dở dang (19.198 tỷ đồng). Trong đó, tồn kho lớn nhất là tại dự án Izumi (8.655 tỷ đồng); dự án Waterpoint giai đoạn 1 (3.837 tỷ đồng); dự án Hoàng Nam (Akari) (2.425 tỷ đồng); dự án Waterpoint giai đoạn 2 (2.036 tỷ đồng); và dự án Cần Thơ (1.492 tỷ đồng).
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) có giá trị hàng tồn kho đạt 13.896 tỷ đồng, trong đó bất động sản dở dang chiếm 11.152 tỷ đồng và bất động sản hoàn thành sẵn sàng bán chiếm hơn 2.229 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) kết thúc tháng 6/2024 với lượng hàng tồn kho đạt 12.523 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái, đến từ hai dự án chính là khu du lịch sinh thái Đoàn Ánh Dương và dự án Phát Đạt Bàu Cá.
Trong khi đó, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) có giá trị hàng tồn kho là 1.791 tỷ đồng, tăng nhẹ 23 tỷ đồng so với đầu năm. Cụ thể, tại dự án khu đô thị Phúc Ninh là gần 1.117 tỷ đồng; dự án khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh là 655,6 tỷ đồng và các dự án khác là 18 tỷ đồng.
Từ ngày 1/8, bộ ba luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, để giảm hàng tồn kho, các doanh nghiệp cần phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và việc các luật mới có thể thực sự đi vào cuộc sống sẽ cần thời gian.
>> Diễn biến mới tại loạt dự án trọng điểm của Kinh Bắc (KBC)
Nguồn: Người Quan Sát