Liên tiếp trong tuần này, các cổ đông của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) nhận được hai thông báo về hai thương vụ lớn của doanh nghiệp này.

Thương vụ bất ngờ

Cụ thể, ngày 22.6, Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty này đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 89% cổ phần của các cổ đông tại Công ty cổ phần địa ốc Hoà Bình (trụ sở tại 197 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM) để trở thành cổ đông sở hữu 89% cổ phần của địa ốc Hoà Bình. Qua thương vụ thâu tóm này, Phát Đạt sẽ có toàn quyền quyết định tất cả các việc đầu tư phát triển và kinh doanh dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng tại 197 Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, TPHCM với diện tích 4.233m2. Giá cả thương vụ được uỷ quyền cho HĐQT quyết định.

Ngay sau đó, ngày 23.6, công ty tiếp tục công bố thông tin bất thường về việc chấp thuận chủ trương đồng ý chuyển nhượng toàn bộ 192,2 tiệu cổ phần phổ thông (tương đương 99,86% vốn) của Công ty cổ phần SG – KL. HĐQT cũng giao Chủ tịch HĐQT tìm kiếm đối tác, đàm phán và quyết định giá chuyển nhượng để không ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận năm 2022 của công ty. Rất nhiều cổ đông của công ty bàn tán rằng, doanh nghiệp địa ốc này đang “đổi ngang” thông qua hai thương vụ, một là mua bán sáp nhập và một là thoái vốn để có thể trở thành chủ hữu dự án 197 Điện Biên Phủ, TPHCM.

>> Download văn bản công bố về Quyết định của HĐQT v/v chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Địa Ốc Sài Gòn – KL tại đây

>> Download văn bản công bố thông tin về Quyết định của HĐQT về chủ trương nhận chuyển nhượng cp DA 197 Điện Biên Phủ – Q. Bình Thạnh tại đây

CDE 916375
Phối cảnh dự án

Trên thực tế, mục tiêu thâu tóm dự án 197 Điện Biên Phủ, TPHCM đã được phong phanh từ lâu. Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 hồi tháng 3 vừa qua, các cổ đông công ty đã đặt câu hỏi về nhận định của lãnh đạo về nơi phát triển dự án bất động sản tốt. Lúc đó, lãnh đạo công ty đã thông tin chỉ đầu tư các dự án từ Đà Nẵng trở vào. Các năm trước, Phát Đạt đã đầu tư tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực hía Nam. Đến nay, công ty đã có kế hoạch mở rộng các quỹ đất mới tại Phú Yên, Khánh Hoà và Đồng Tháp. Trong mục tiêu phát triển quỹ đất trình cổ đông thông qua, công ty cũng đưa ra chiến lược 2022 mở rộng quỹ đất và phát triển dự án các địa bàn giàu tiềm năng, trong đó có TPHCM, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đồng Nai, Khánh Hoà…

Dòng tiền âm nặng

Trong câu chuyện của các cổ đông công ty về hai thương vụ trên gây chú ý khi một số cổ công cho rằng mặc dù các chỉ số báo cáo doanh thu lợi nhuận của công ty khá đẹp song đến hết quý I/2022 vừa qua dòng tiền của công ty “có vấn đề” rất rõ. Đơn cử, công ty có vốn chủ sở hữu 8.388 tỉ đồng nhưng nợ phải trả lên đến 13.147 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn cũng vượt vốn chủ sở hữu với 8.771 tỉ đồng.

Trong lưu chuyển dòng tiền, đáng chú ý là đến hết quý này, PDR ghi nhận dòng tiền âm khá lớn, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 994 tỉ đồng. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm tới 534 tỉ đồng. Với diễn biến dòng tiền như trên, tính cả dòng tiền thuần kinh doanh và dòng tiền đầu tư thì con số âm dòng tiền trong 2 mảng này của địa ốc Phát Đạt lên tới 1.528 tỉ đồng.

Trong đại hội cổ đông thường niên 2022, cổ đông cũng đã chất vấn về các khoản vay của công ty, cổ đông cho biết hầu hết các khoản vay của công ty đều là ngắn hạn trong khi việc khai thác các dự án bất động sản là dòng tiền cần chi lớn và thời gian triển khai lâu dài có thể sẽ có rủi ro. Trả lời cổ đông, lãnh đạo công ty cho biết, công ty hoạt động theo phương châm phát triển tốc độ nhưng bền vững và công ty đặc biệt chú trọng yếu tố dòng tiền. Trước đây công ty tập trung các khoản vay ngắn hạn, sau đó chuyển sang các khoản vay trung hạn. Năm nay công ty sẽ tiến hành việc huy động vốn nước ngoài để thực hiện cac khoản vay dài hạn. Như vậy, có thể thấy sự thay đổi rõ nét của công ty này thông qua các phương án vay, chuyển từ vay ngắn hạn sang trung hạn và dần chuyển sang dài hạn.

Nguồn: Internet