Nhiều tín hiệu khởi sắc cho một giai đoạn mới của thị trường bất động sản miền Trung sau khoảng thời gian yên ắng do tác động của dịch Covid-19. Không chỉ các chủ đầu tư chuẩn bị đón “sóng”, nhiều nhà đầu tư khắp cả nước cũng đang hướng trở lại khu vực miền Trung.
Du lịch và Bất động sản miền Trung “hút sóng” trở lại
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch cả nước đạt gần 62 triệu lượt, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Bước vào giai đoạn bình thường mới cùng với việc gỡ bỏ nút thắt cuối cùng trong việc đón khách du lịch quốc tế khi tới Việt Nam, ngành du lịch đã nhanh chóng trở lại đường đua khi chỉ cần 6 tháng, chỉ tiêu về đón khách du lịch nội địa của cả năm 2022 đã hoàn thành.
Miền Trung tiếp tục là điểm nhấn trong bức tranh toàn ngành du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trong nhóm 7 tỉnh liên kết gồm Hà Nội, TP.HCM và 5 tỉnh miền Trung (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) đã gần gấp đôi cả năm 2021, đạt gần 33 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt gần 88.000 tỷ đồng.
Cùng với đà phục hồi mạnh mẽ của du lịch, các loại hình bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng ở phân khúc như biệt thự, nhà phố/shophouse đều ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của DKRA Việt Nam, biệt thự nghỉ dưỡng có 26 dự án với nguồn cung 2.776 căn với lượng tiêu thụ đạt 75% , trong đó miền Trung chiếm 43% nguồn cung (1.204 căn) với tỷ lệ tiêu thụ cao nhất đạt 42,25% (881 căn), hơn cả miền Bắc và miền Nam.
Nguồn: DKRA Việt Nam
Về nhà phố/shophouse cả nước có 23 dự án với 5.145 căn, trong đó miền Trung chiếm 42% nguồn cung (2.159 căn) với mức tiêu thụ đạt 40% (1.500 căn), cũng cao hơn so với miền Bắc và miền Nam. Riêng phân khúc condotel nguồn cung sụt giảm so với cùng kỳ nhưng tăng 54% so với 6 tháng cuối năm 2021; dự kiến nguồn cung sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2022.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc của CBRE Việt Nam đánh giá thị trường BĐS dự đoán sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 3 năm tới nhờ đà phục hồi của ngành du lịch, kết nối giao thông thuận lợi, nguồn cung thấp hơn cầu và sự đa dạng của các loại hình sản phẩm cùng với khung pháp lý hoàn thiện. Trong đó, đà tăng trưởng tiếp tục ở thị trường cấp 1 (Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa), đồng thời lan tỏa ở cả thị trường cấp 2 như: Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Sự dịch chuyển này phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay, khi du khách và nhà đầu tư muốn tìm đến các thị trường du lịch mới như TP. Quy Nhơn (Bình Định) thay vì các thị trường truyền thống để có những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo.
Tiềm năng thị trường Quy Nhơn
Sở hữu 72km đường biển đẹp dọc miền Trung với nhiều điểm du lịch độc đáo như Ghềnh Ráng – Tiên Sa, Kỳ Co – Eo Gió, bãi tắm Hoàng Hậu, Hòn Khô… kết hợp những công trình mang dấu ấn văn hóa Chăm Pa, Quy Nhơn được tạp chí Rough Guides bình chọn là top 3 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á.
Thống kê trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Quy Nhơn dẫn đầu cả nước với 192.000 lượt khách du lịch, cao hơn Đà Lạt, Phú Quốc, Vũng Tàu. Kỳ nghỉ lễ 2/9 là 123.000 lượt; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 615 tỉ đồng, tăng 150% so với năm 2019. Trong đó, lượng khách lưu trú là 73.800 lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, sân bay Phù Cát sẽ được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế. Cùng với đó hệ thống hạ tầng hoàn thiện kết nối sân bay Phù Cát với các khu kinh tế, tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng sinh thái lớn hình thành trong tương lai đang tạo nên một bức tranh sôi động và nâng tầm bất động sản nghỉ dưỡng Quy Nhơn. Hiện tỉnh này cũng đẩy mạnh kết nối với các trục giao thông lớn khi khởi công 3 tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1 đến tuyến đường ven biển chạy qua thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.
Cùng chiều với sự dịch chuyển của ngành du lịch sự bùng nổ của dòng vốn đầu tư. Tính đến hết tháng 7/2022, Bình Định đã thu hút 44 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.768 tỷ đồng và thực hiện tăng vốn đầu tư 9 dự án, với tổng vốn tăng thêm 5.196 tỷ đồng. Tại Quy Nhơn, hàng nghìn tỷ đồng đang được các doanh nghiệp địa ốc đổ vào để triển khai các dự án nghỉ dưỡng cao cấp.
Điển hình, Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới Meliá sẽ triển khai dự án khu nghỉ dưỡng biển Meliá Quy Nhon Beach Resort, dự kiến khai trương năm 2025. Tiếp đến Hưng Thịnh và Marriott International động thổ dự án Quy Nhon Resort & Spa nằm trong dự án MerryLand Quy Nhon tại bán đảo Hải Giang.
Chủ đầu tư Phát Đạt cũng phát triển loại hình BĐS nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn với dự án tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ biển 4 sao quốc tế Cadia Quy Nhon được xây dựng trên diện tích hơn 5.200m2 với quy mô dự kiến 40 tầng, có vị trí ngay trước quảng trường trung tâm thành phố với tầm nhìn trực diện biển. Dự án gồm khối căn hộ du lịch biển được quản lý bởi Centara Hotels & Resorts và khối khách sạn được quản lý bởi tập đoàn Marriott International.
Phối cảnh dự án CADIA Quy Nhơn
Theo đánh giá từ giới chuyên gia, loại hình căn hộ du lịch biển Quy Nhơn đang có mức giá cạnh tranh hơn so với các thị trường ven biển miền Trung khác. Tại Đà Nẵng và Nha Trang, mức giá căn hộ du lịch tại các cung đường lớn dao động từ 6 – 7 tỷ/căn trong khi tại Quy Nhơn dao động trên dưới 4 tỷ đồng/căn; nhờ đó sẽ góp phần tạo nên sức hút cho thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại vùng đất miền Trung này.
Nguồn: theleader.vn