Cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến quốc lộ 1A cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng thông xe trong năm nay.
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành chính thức khởi công năm 2014, tuy nhiên đến năm 2019 đã tạm ngưng do một số vướng mắc.
Đến năm 2023, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành được tái khởi động và hiện toàn bộ công trình đạt khoảng 85% khối lượng, sẵn sàng thông xe trong quý IV năm nay.
Ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, tại hạng mục gói thầu thi công toàn bộ lối ra vào ở nút giao của cao tốc Bến Lức – Long Thành với quốc lộ 1 (thuộc địa phận huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã được trải thảm nhựa và đang xây trạm thu phí.
Trên công trường, các lối xuống kết nối giữa cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc TP.HCM – Trung Lương cũng được đơn vị thi công trải thảm nhựa, vẽ vạch kẻ đường.
Hình ảnh đơn vị thi công tất bật làm việc để hoàn thành hạng mục kẻ đường, đắp ta luy ở khu vực trạm thu phí Mỹ Yên – Bến Lức.
Theo quan sát, trên tuyến chính, hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo giao thông cũng đã được lắp đặt.
Những hạng mục sơn vạch kẻ đường, dải phân cách, biển hướng dẫn trên các lối ra vào cao tốc Bến Lức – Long Thành được thi công hoàn chỉnh.
Đối với hạng mục đường dân sinh hai bên cao tốc hiện đã được rải đá và lu lèn chờ thảm nhựa.
Hiện tại, toàn bộ đoạn đường dài khoảng 4km từ nút giao cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến quốc lộ 1A còn khoảng 300m chưa được trải nhựa. Liên quan đến thực trạng trên, lực lượng chức năng chỉ đạo nhà thầu hoàn thành sớm đoạn khoảng hơn 300m thuộc dự án Vành đai 3 để kết nối đồng bộ với cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành có chiều dài 58km, được thiết kế 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng hơn 31 nghìn tỷ đồng, nối huyện Bến Lức (tỉnh Long An) với huyện Long Thành (Đồng Nai).
Sau khi hoàn thành, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ kết nối giao thông trực tiếp với các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ không phải qua trung tâm của TP.HCM. Đồng thời, giúp rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Từ đó thức đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, du lịch của các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và tỉnh Long An.