Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới đầu tuần mới đầy sóng gió với sắc đỏ chiếm ưu thế trên diện rộng. Nằm trong tâm bão, hàng loạt cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh và giảm sâu, thậm chí sàn “trắng bên mua”. Nhiều cái tên trong số đó đã thủng đáy qua đó rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Cổ phiếu NVL của Novaland là cái tên đáng chú ý nhất khi giảm sàn “trắng bên mua” từ đầu phiên và đóng cửa tại mức 12.800 đồng/cp với dư bán sàn hàng triệu đơn vị. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này. Phiên giảm sàn đã kéo vốn hóa Novaland xuống thấp kỷ lục, dưới 25.000 tỷ đồng. Con số này đã “bốc hơi” 86% so với đỉnh hồi giữa năm 2021 và khiến Novaland có nguy cơ rời nhóm tỷ USD.
Trước đó, ông Bùi Thành Nhơn trở lại ghế Chủ tịch HĐQT Novaland và là người đại diện pháp luật. Việc ông Nhơn trở lại là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup – cổ đông lớn nhất của Novaland, đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Báo cáo mới cập nhật của VCSC cho biết, Novaland đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện bao gồm (1) đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, (2) tập trung phát triển các dự án trọng điểm và (3) cân nhắc khả năng bán bớt tài sản.
Tương tự NVL, cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt cũng vừa phá đáy. Cổ phiếu này giảm sàn phiên 13/2 xuống mức 11.250 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 5/2019. Vốn hóa tương ứng chỉ còn 7.600 tỷ đồng, giảm đến 84% so với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 10/2021. Trước đó, PDR từng có khoảng thời gian lao dốc mạnh với 17 phiên giảm sàn liên tiếp trong tháng 11 năm ngoái. Lãnh đạo công ty phải liên tục bổ sung tài sản vì cầm cố cổ phiếu để phát hành trái phiếu, đồng thời bán bớt tài sản để xử lý nợ…
Đà giảm của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh Phát Đạt vừa báo lỗ sau thuế 229 tỷ đồng quý 4/2022. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp bất động sản này báo lỗ kể từ năm 2011. Trong kỳ, Phát Đạt thậm chí còn không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Nguồn thu gần từ hoạt động cung cấp dịch vụ chỉ đạt 15 tỷ đồng, thấp kỷ lục trong khi phí lãi vay tăng gấp đôi. Theo Phát Đạt, do tình hình khó khăn chung của thị trường nên việc đầu tư kinh doanh vào các dự án không được thuận lợi và doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Một cổ phiếu bất động sản khác từng có giai đoạn liên tiếp giảm sàn tháng 11 năm ngoái là HPX của Hải Phát Invest cũng thủng đáy trong phiên 13/2. HPX giảm hết biên độ xuống mức 4.400 đồng/cp tương ứng giá trị vốn hóa chỉ còn khoảng 1.300 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết. So với đỉnh đạt được cuối tháng 11/2021, con số này đã “bốc hơi” đến 10.800 tỷ đồng.
Trong bối cảnh cổ phiếu lao dốc, ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest và các thành viên trong gia đình đã liên tục bị bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu. Ước tính, tổng số cổ phiếu HPX bị bán giải chấp của gia đình ông Hải từ cuối năm 2022 đến nay đã lên đến xấp xỉ 73 triệu đơn vị, tương đương gần 24% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Hải Phát Invest. Ngoài ra, ông Hải còn chủ động bán ra hàng chục triệu cổ phiếu HPX trong cùng khoảng thời gian trên.
Dù không rơi sốc như 3 cái tên kể trên nhưng cổ phiếu CRE của Cen Land cũng đã miệt mài giảm trong hơn một năm qua. Với việc giảm sàn phiên 13/2 xuống mức 6.800 đồng/cp, CRE đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Giá trị vốn hóa tương ứng chỉ còn 3.150 tỷ đồng, giảm 73% so với đỉnh đạt được vào đầu tháng 1 năm ngoái.
Giống như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, Cen Land cũng gặp nhiều khó khăn trong năm qua. Đặc biệt trong quý 4, doanh nghiệp bất động sàn này lỗ ròng đến 58,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 122 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục của Cen Land kể từ khi lên sàn tháng 9/2018. Lũy kế cả năm 2022, Cen Land ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.491 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và 56% so với thực hiện năm 2021.
Ngoài những cái tên kể trên, nhiều cổ phiếu bất động sản như DXG, DIG, DPG, KHG cũng giảm kịch sàn. Bên cạnh đó, hàng loạt tên tuổi khác trong nhóm này như VIC, VHM, KDH, NLG, HQC, LDG, CEO, L14… đều chìm sâu trong sắc đỏ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/2 tới đây, Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Trần Hồng Hà. Thành phần tham dự gồm các lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành liên quan; các chuyên gia kinh tế, tài chính và nhiều doanh nghiệp lớn.
Trước đó, ngày 6/2 Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về tình hình vốn cho thị trường bất động sản. Ngày 7/2 Bộ Xây dựng đã tổ chức họp nội bộ về thị trường bất động sản. Trong nghị quyết họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường
Nguồn: Cafef