Trong câu chuyện trái phiếu, điểm chung của tất cả các doanh nghiệp bất động sản như Kinh Bắc, Phát Đạt, TTC Land… đều nhằm cân bằng tài chính tiến tới phát triển ổn định.
CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã AGG – HoSE) mới đây thông báo đã tất toán lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng trong tháng 5/2024 qua đó đưa dư nợ trái phiếu về 0. Đây là lô trái phiếu do Chứng khoán Vietcombank thu xếp phát hành với lãi suất thỏa thuận và có kỳ hạn 24 tháng, được bảo đảm bằng các dự án, bất động sản đầu tư thuộc sở hữu của An Gia và các tài sản khác của bên thứ ba.
Trước đó, bà Huỳnh Kim Ánh, Giám đốc Khối Tài chính Đầu tư An Gia, cho biết công ty có kế hoạch thanh toán hết nghĩa vụ nợ trái phiếu trong nửa đầu năm nay và dùng nguồn thu từ dự án Westgate để thực hiện nghĩa vụ này.
Hiện tại, công ty chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu mới trong các đợt huy động vốn tiếp theo, thay vào đó là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược với mục đích sử dụng vốn duy nhất là M&A, phát triển dự án.
Trước An Gia, trong năm 2023, hai “ông lớn” nhóm bất đông sản là Phát Đạt (Mã PDR – mảng dân dụng) và Đô thị Kinh Bắc (Mã KBC – mảng khu công nghiệp) cũng đã hoàn tất việc đưa nợ trái phiếu về 0.
Hay như trường hợp của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – TTC Land (Mã SCR – HoSE) đã thanh toán lô trái phiếu trị giá 80 tỷ đồng trong năm 2023 và chính thức sạch nợ trái phiếu. Trong hai năm qua, công ty theo đuổi chiến lược thận trọng, không mở rộng dự án hay quỹ đất mà tập trung vào nội tại doanh nghiệp để ổn định, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong câu chuyện trái phiếu, điểm chung của tất cả các doanh nghiệp này đều nhằm giảm giải tỏa các nút thắt về trái phiếu, căn bằng tài chính tiến tới phát triển ổn định.
Về tình hình kinh doanh, quý I/2024, TTC Land ghi nhận gần 4,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – tăng bằng lần so với mức gần 2 tỷ YoY. Lợi nhuận Phát Đạt cũng tăng 2,34 lần YoY lên mức 52,6 tỷ đồng. Ấn tượng nhất phải kể đến trường hợp của An Gia báo lãi 214 tỷ đồng – cao gấp 17,4 lần so với quý đầu năm ngoái.
Duy nhất Đô thị Kinh Bắc báo lỗ 76,7 tỷ đồng trong quý I/2024 (cùng kỳ lãi 1.056 tỷ). Nguyên nhân được công ty cho biết do không ghi nhận doanh thu từ thuê đất và cơ sở hạ tầng. Mảng cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ, xử lý nước thải mang lại gần 93 tỷ đồng. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản giảm gần 30%, chỉ còn vỏn vẹn 14,7 tỷ đồng.
Theo nhận định của Fiin Ratings, tuy áp lực đáo hạn và hoàn thành nghĩa vụ nợ sau khi thực hiện giãn hoãn hoặc cơ cấu vẫn còn, đơn vị này ghi nhận các doanh nghiệp vẫn đang đáp ứng đúng tiến độ.
Tính đến ngày 2/5, ước lượng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm đạt 257.170 tỷ đồng trong đó giá trị trái phiếu của nhóm ngành bất động sản đạt 100.260 tỷ – chiếm gần 39% và giảm 1/3 so với số liệu ghi nhận tại thời điểm đầu tháng 12/2023.
2024-2025 sẽ là cao điểm đáo hạn trái phiếu nhóm bất động sản |
Nhóm phân tích cho rằng áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025 là khá lớn, đặc biệt là đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023.
Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ.
>> Cuộc đua giữa các ‘ông lớn’ bất động sản khu công nghiệp ra sao sau quý I/2024
Nguồn: Người Quan Sát